DetailController

Các dự án kêu gọi đầu tư

Hòa Bình: Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ

26/08/2015 00:00
Xác định kết cấu hạ tầng là một trong những động lực chính thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và thu hút đầu tư. 5 năm qua, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm cụ thể hóa các mục tiêu, nhiệm vụ của Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 16/1/2012 của BCH T.Ư về xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ; đồng thời tăng cường chỉ đạo, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch vùng tỉnh Hòa Bình đến năm 2020; quy hoạch tổng thể phát triển giao thông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Qua 5 năm triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, đến nay kết cấu hạ tầng then chốt trên địa bàn tỉnh có nhiều thay đổi vượt bậc, tạo đà cho tỉnh phát triển kinh tế - xã hội toàn diện, bền vững.
Đường Chi Lăng kéo dài- dự án hạ tầng giao thông trọng điểm góp phần phát triển kinh tế- xã hội trên địa bàn.

5 năm qua, ngoài nguồn vốn NSNN, tỉnh Hòa Bình đã chú trọng huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế và nhân dân đóng góp được khoảng 40.000 tỷ đồng để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật- xã hội. Trong đó, chiến lược của tỉnh tập trung vào phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng công nghiệp, đô thị, giáo dục, y tế và du lịch trên địa bàn. Đầu tư xây mới và cải tạo được 1.014 km đường các loại; trong đó có 92km đường quốc lộ, 12km đường nội thị, 911km đường huyện và đường GTNT được xếp hạng A trở lên. Nhiều công trình giao thông quan trọng được đầu tư nâng cấp như đường 12B, quốc lộ 6, quốc lộ 21. Bên cạnh đó, thực hiện mục tiêu đưa thành phố Hòa Bình trở thành đô thị loại II, tỉnh Hòa Bình tập trung huy động nguồn lực ưu tiên phát triển hạ tầng đô thị. Qua hệ thống kết cấu hạ tầng, diện mạo đô thị của thành phố trong những năm qua đã có bước phát triển đáng kể. Đô thị trung tâm thành phố được đầu tư mở rộng, nhiều tuyến đường đã được đầu tư đạt tiêu chuẩn hạ tầng kỹ thuật đô thị như đường Trần Quý Cáp, Trương Hán Siêu, đường Chi Lăng kéo dài…

Hạ tầng công nghiệp cũng được đầu tư phát triển, đến nay đã hoàn thành việc lập quy hoạch và công bố quy hoạch chi tiết 8 khu công nghiệp, 16 cụm công nghiệp với tổng diện tích 1.950 ha đất; cơ bản hoàn thành các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khu công nghiệp Lương Sơn, khu công nghiệp Bờ trái sông Đà. Cùng với đó, hạ tầng mạng lưới điện đã được chú trọng nâng cấp, xây mới các trạm trung gian, trung thế và trạm biến áp phục vụ sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân. Hạ tầng thông tin truyền thông phát triển nhanh, chất lượng dịch vụ được nâng lên; mạng truyền dẫn đã được cáp quang hóa đến 11 huyện, thành phố; 100% xã, phường, thị trấn có dịch vụ điện thoại; 100% cơ quan nhà nước cấp tỉnh, huyện được nối mạng truyền số liệu chuyên dùng và kết nối internet. Việc đầu tư và đưa vào hoạt động ổn định “Cổng thông tin điện tử tỉnh Hòa Bình”, “Hệ thống giao ban đa phương tiện” và các phần mềm trong quản lý, điều hành được triển khai ứng dụng tại đạt hiệu quả cao. Hàng năm, tỉnh đã đảm bảo đầu tư hạ tầng giáo dục, mua sắm các trang thiết bị phục vụ dạy và học bằng 20% tổng chi phí đầu tư phát triển. Các dự án trọng điểm của lĩnh vực y tế được đầu tư xây dựng, áp dụng tin học, điện tử trong khám chữa bệnh cho nhân dân ngày càng tốt hơn.

Phát huy lợi thế về văn hóa, lịch sử, thiên nhiên ưu đãi, vị trí địa lý thuận lợi, du lịch được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. 5 năm qua, bằng nguồn vốn NSNN và các nhà đầu tư, tỉnh Hòa Bình đã huy động được 800 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng du lịch. Đến nay toàn tỉnh có 27 khu, điểm du lịch; 360 cơ sở lưu trú, tăng 10,6% so với năm 2010. Các trung tâm vui chơi, hội họp như Trung tâm AP Laza Anh Kỳ, khách sạn Lod- Mai Châu, Vesort Kim Bôi đã phát huy hiệu quả, đáp ứng nhu cầu du lịch và các sự kiện lớn diễn ra trong tỉnh. Thời gian tới, các dự án hạ tầng du lịch mới ở “Homestay Đà Bắc”, “khuôn viên Đền Bờ mới” hoàn thành, sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Hòa Bình khai thác tốt hơn nữa các tiềm năng lợi thế về du lịch, thực hiện mục tiêu tăng nhanh tỷ trọng du lịch trong cơ cấu kinh tế; gắn phát triển du lịch với tạo việc làm, nâng cao dân trí, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và hội nhập quốc tế.

Giai đoạn (2015- 2020), tỉnh Hòa Bình tiếp tục phấn đấu phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ; phấn đấu đưa thành phố Hòa Bình trở thành đô thị loại II vào năm 2020, xứng đáng là đô thị trung tâm, vùng động lực KT-XH của tỉnh. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thành một số công trình trọng điểm như cải tạo mở rộng QL6, đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình, đường đến các xã vùng cao Tân Lạc - Lạc Sơn; đường Cun Pheo - Hang Kia - QL6; tập trung đầu tư phát triển hạ tầng khu công nghiệp Mông Hóa, Yên Quang, Bờ trái sông Đà, Lạc Thịnh. Phấn đấu đên năm 2020, toàn bộ hệ thống quốc lộ, đường tỉnh cơ bản đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp IV; 100% giao thông đô thị có mặt đường bê tông nhựa, bê tông xi măng; giao thông nông thôn 100% đường huyện, 70% đường xã được cứng hóa, bê tông. Tỉnh Hòa Bình sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp vận động tài trợ và đẩy nhanh việc giải ngân nguồn vốn ODA, khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay thương mại ưu đãi…