Theo tìm hiểu của phóng viên, Lâm trường Tân Lạc được thành lập tháng 1 năm 1979 từ thời tỉnh Hà Sơn Bình (cũ), sau trực thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Hòa Bình. Từ giữa tháng 6 năm 2004 đến nay, Lâm trường Tân Lạc được bàn giao về cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm Nghiệp Hòa Bình( thuộc Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam ). Tổng diện tích đất của Lâm trường Tân Lạc theo biên bản bàn giao khi đó là 2.149, 69 ha, trong đó diện tích đất lâm nghiệp 2.111,3 ha, đất khác 38,39 ha. Do các lâm trường quản lý diện tích đất quá lớn, trong khi nhiều hộ dân trong tỉnh thiếu đất sản xuất, nên năm 2013 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hòa Bình đã trả lại địa phương nhiều diện tích đất ở các Lâm trường: Tu Lý, Tân Lạc, Lạc Thủy, Lương Sơn. Theo Quyết định số 2013 QĐ/UBND ngày 11/9/2013 của UBND tỉnh Hòa Bình về việc Phê duyệt kết quả rà soát đất đai, diện tích giữ lại để sản xuất và trao trả cho địa phương quản lý thì Lâm trường Tân Lạc trả ra 1513,48 ha; giữ lại 577,22 ha.
Tuy nhiên trong quá trình Lâm trường Tân Lạc triển khai thực hiện việc ký thủ tục để trình UBND tỉnh Cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thì UBND xã Thanh Hối đề nghị trả lại địa phương 12,63 ha; nên thực tế diện tích đất Lâm trường Tân Lạc giữ lại còn 557,75 ha. Nhưng theo ông Kim Danh Hà, Phó Giám đốc Lâm trường Tân Lạc, thì hiện nay Lâm trường đang quản lý sử dụng 403,12 ha, diện tích vùng loại trừ chưa sử dụng hết 61,44 ha, còn lại 93,19 ha đất đang bị người dân ở các xã Thanh Hối, Gia Mô, Lỗ Sơn, Tử Nê lấn chiếm.
Chúng tôi về Nhót, xã Thanh Hối tìm hiểu nguyên nhân khiến hơn 100 hộ dân đã lấn chiếm 12,13 đất Lâm trường Tân Lạc từ năm 2008 đến nay. Anh Bùi Thắng cho biết: Các cụ trong thôn bảo đất này ngày xưa do dân khai phá, sau cho Lâm trường mượn; nhưng giờ lâm trường chỉ có 6 cán bộ mà dân trong thôn đông quá nên chúng tôi lấy lại để trồng rừng, bảo đảm cuộc sống. Còn hộ chị Bùi Thị Ngư cũng ở xóm Nhót thì nói: Lâm trường có đất nhưng cũng thuê lại một số hộ trong thôn trồng rừng, trong khi nhiều hộ không có đất sản xuất “ đói, đầu gối phải bò” thôi, mỗi hộ chúng tôi chia nhau 3000 mét vuông để trồng cây Keo, nhiều nhặn gì đâu.
Có thể thấy rằng tình hình tranh chấp và lấn chiếm đất đai thuộc Lâm trường Tân Lạc là do khâu buông lỏng quản lý của các cấp chính quyền; hệ thống văn bản pháp lý công nhận diện tích đất Lâm trường Tân Lạc được giao trên địa bàn các xã đã lâu; việc kiểm tra, rà soát đất đai thời gian kéo dài. Mặt khác, do người dân thấy lợi ích trước mắt từ việc trồng rừng keo nguyên liệu dễ trồng, dễ tiêu thụ, thời gian ngắn từ 4- 5 năm là cho thu nhập.
Theo ông Kim Danh Hà, Phó Giám đốc Lâm trường Tân Lạc, để đảm bảo lợi ích kinh tế cho các hộ dân hiện đang tự ý trông rừng đất lâm trường và để việc sử dụng đất theo đúng quy định của Nhà nước, chính quyền địa phương cần yêu cầu các hộ đăng ký hợp đồng liên doanh trồng rừng với Lâm trường Tân Lạc. Ông Hà cũng kiến nghị chính quyền địa phương các cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ hơn nữa để Lâm trường Tân Lạc sớm có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, ổn định sản xuất và kinh doanh.