DetailController

Chính trị

Hiệu quả từ dự án định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số

04/05/2013 00:00
Là tỉnh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống nên những năm qua Hòa Bình luôn coi trong thực hiện dự án định canh, định cư cho đồng bào từ đó góp phần thay đổi tập quán sinh sống; giúp nhân dân tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất, nâng cao đời sống. Đặc biệt, từ các dự án định canh, định cư nhiều hộ dân tộc thiểu số đã thoát được cảnh sống vắt vẻo trên sườn đồi, núi, trong rừng sâu về những bản định cư và được hỗ trợ đất xây dựng nhà cửa, đất sản xuất nông nghiệp.

 Theo Ban Dân tộc tỉnh, thực hiện Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chính sách hỗ trợ di dân thực hiện định canh, định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số, tỉnh Hòa Bình đã triển khai ngay công tác rà soát đối tượng du canh du cư (DCDC) trên địa bàn. Qua đó, trên địa bàn tỉnh có hơn 300 hộ với hơn 1.000 khẩu là đối tượng DCDC theo tiêu chí quy định. Ông Lê Ngọc Quản, Phó Ban Dân tộc tỉnh cho biết, các đối tượng DCDC trên địa bàn là các hộ thuộc diện chưa có đất ở, đất sản xuất ổn định. Các hộ này thường sống cảnh nay đây, mai đó ở xa các khu dân cư sống riêng biệt trên các nẻo đồi hoặc trong rừng sâu nên đời sống khó khăn, con em không đủ điều kiện học tập tốt. Phần lớn các hộ này đi làm thuê hoặc phát nương làm rãy, có những trường hợp phá rừng lấy đất sản xuất. Nhằm quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện chính sách cho đồng bào dân tộc thiểu số DCDC theo Quyết định của Thủ tướng đạt hiệu quả; đồng thời bảo đảm các quy định theo hướng dẫn thực hiện chính sách di dân ĐCĐC cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn cho các đơn vị Ban Dân tộc tỉnh đã chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan, UBND các huyệ xây dựng đề án làm cơ sở triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, UBND các huyện, thành phố cũng chỉ đạo các phòng chức năng huyện, thẩm định các hạng mục hỗ trợ hộ DCDC về sống xen ghép với nhân dân trên địa bàn xã làm cơ sở cho xã thực hiện. UBND xã trực tiếp thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ hộ DCDC về ĐCĐC xen ghép trên địa bàn xã; tuyên truyền, vận động các hộ DCDC thực hiện tốt việc di dời đến nơi ĐCĐC mới ổn định đời sống, làm chủ đầu tư việc sửa chữa, nâng cấp các công trình thiết yếu tại điểm ĐCĐC xen ghép của xã.

Qua 5 năm triển khai theo Quyết định số 33, tỉnh đã săp xếp ĐCĐC xem kẹp cho gần 100 hộ ở các làng bản trên địa bàn về nơi ở mới. Bên cạnh đó, cũng đã xây dựng hai điểm ĐCĐC tập trung để tiếp nhận vài chục hộ, trong đó một điểm tại bản Cang xã Pà Cò huyện Mai Châu cho đồng bào dân tộc Mông và một điểm tại suối Kẻ xóm Mít cho đồng bào dân tộc Mường, Dao, Tày. Các hộ khi di chuyển về điểm ĐCĐC xem kẹp và tập trung được hỗ trợ theo các quy định. Điều đáng nói là khi di chuyển từ cuộc sống nương rãy về nơi ở mới, đồng bào dân tộc thiểu số đã được các hộ dân địa phương đùm bọc, nhường cơm xẻ áo. Nhiều hộ dân địa phương đã nhượng lại đất ở, đất sản xuất với giả rẻ để đồng bào yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống mới. Trong đó, dự án ĐCĐC xen ghép theo đề án được duyệt dự án thì có 4 dự án trên địa bàn 4 huyện là Đà Bắc, Cao Phong, Tân Lạc và Kim Bôi với 111 hộ DCDC.

Qua 5 năm thực hiện các dự án ĐCĐC xen ghép trên địa bàn tỉnh đã hỗ trợ hoàn thành cho 94/111 hộ DCDC di dân về ở ổn ĐCĐC. Số hộ DCDC còn lại chưa hoàn thành là 17 hộ, nguyên nhân là do các hộ du canh, du cư đã tự chuyển nhà về ở trung tâm các xóm, bản trong xã, ổn định cuộc sống nên không còn thuộc các đối tượng hộ DCDC như trước đây. Dự án ĐCĐC tập trung theo đề án được duyệt thì tỉnh Hòa Bình được xây dựng 5 điểm là điểm ĐCĐC tập trung tại bản Cang xã Pà Cò huyện Mai Châu; điểm ĐCĐC tập trung suối Kẻ, xóm Mít xã Tu Lý huyện Đà Bắc; điểm ĐCĐC tập trung xóm Mừng xã Xuân Phong huyện Cao Phong; điểm ĐCĐC tập trung xóm Thung Râu xã Lâm Sơn huyện Lương Sơn; dự án ĐCĐC tập trung khu Vó Hối xóm Quế Kho xã Tú Sơn huyện Kim Bôi. Tuy nhiên, qua rà soát lại thì có 2/5 điểm dự án không đủ điều kiện thực hiện, còn lại 3 điểm dự á đã và đang thực hiện. Trong đó, điểm ĐCĐC tập trung tại bản Cang xã Pà Cò huyện Mai Châu thực hiện hỗ trợ di dân ĐCĐC hoàn thành cho 40 hộ tại khu tái định cư mới, xây dựng 7 công trình hạ tầng (đường, điện, nước sinh hoạt, san tạo mặt bằng, trường mầm non, trường tiểu học và nhà sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời hỗ trợ các hộ 3 mô hình phát triển sản xuất; hỗ trợ 2 cán bộ khuyến nông, khuyến lâm và cán bộ y tế, thực hiện thu hồi, tạo quỹ đất sản xuất cho các hộ DCDC chuyển về với diện tích 7,2 ha. Điểm ĐCĐC tập trung suối Kẻ xóm Mít xã Tu Lý huyện Đà Bắc đến nay dự án đang thực hiện và đón 45 hộ DCDC về định cư ổn định. Tại đây Ban Dân tộc tỉnh cũng đã xây dựng 6 công trình hạ tầng (2 công trình đường, 1 công trình điện, 1 công trình nước sinh hoạt, 1 công trình san tạo mặt bằng và 1 công trình bai kênh mương). Đồng thời dự án đã hỗ trợ bồi thường giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sản xuất cho các hộ DCDC chuyển về với diện tích 20 ha. Còn dự án ĐCĐC tập trung xóm Mừng xã Xuân Phong huyện Cao Phong được xây dựng từ năm 2010 tới nay đang thực hiện dở dang, mới thực hiện đầu tư xây dựng được 1 công trình đường giao thông xóm Mừng nhưng do nguồn kinh phí TƯ chưa bố trí được nên dự án tạm dừng thực hiện từ đầu nă 2011.

Có thể nói, việc hỗ trợ các hộ DCDC về các điểm ĐCĐC xen ghép và tập trung thì nhiều hộ dân đã được hưởng lợi. Chính sách di dân thực hiện ĐCĐC cho đồng bào dân tộc thiểu số DCDC là chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước, phù hợp với nhu cầu thực tế của đồng bào dân tộc thiểu số nghèo cuộc sống còn khó khăn về đất ở, đất sản xuất, không được hưởng các công trình phúc lợi của Nhà nước; giúp đồng bào chuyển về ĐCĐC tại các điểm ĐCĐC ổn đinh cuộc sống, kinh tế dần phát triển, các cháu trong độ tuổi đi học được đến trường thuận lợi; các hộ được hưởng các dịch vụ công, các công trình phúc lợi, dựng được nhà mới, có điện, có nước hợp vệ sinh sử dụng và giống cây trồng vật nuôi mới, kỹ thuật mới áp dụng vào phát triển sản xuất, được nhân dân đồng tình ủng hộ và hưởng ứng, tạo niềm tin trong nhân dân.

Anh Bùi Văn Hường vốn là hộ DCDC được tạo điều kiện về nơi ĐCĐC xen ghép tại xóm Dệ I, xã Bắc Phong huyện Cao Phong cho biết: Trước đây gia đình tôi ở tít trên các đỉnh đồi, đỉnh núi, nay đây mai đó, con cái cũng không được học hành đến nơi đến chốn, cuộc sống khó khăn lắm, lương thực trồng cũng chả ai đến mua vì đường giao thông không có. Thậm chí, Tết năm 2006 gia đình phải đi vay lãi ở ngoài 100 nghìn đồng, mới có cơm để ăn. Từ khi được nhà nước hỗ trợ xây nhà, sống xem kẹp với các hộ gia đình dân chí cao hơn, lại có đất sản xuất gia đình tôi cũng đỡ khó khăn, con cái được mở mang đầu óc, được đến trường, đến lớp, có thêm nhiều bạn bè, gia đình không còn cảnh phải đi vay tiền để ăn Tết nữa. Tết năm nay, gia đình tôi cũng có con gà thắp hương tổ tiên. Trong căn nhà mới vẫn còn mùi thơm của gỗ rừng được dựng lên, bác Đinh Trung Thống khu ĐCĐC tập trung suối Kẻ xóm Mít xã Tu Lý huyện Đà Bắc vẫn không dấu được niềm vui. Bác chia sẻ: Bao đời sống DCDC, không nghĩ về già lại được chuyển về ngôi nhà mới khang trang như thế này. Trước đây, sống xa khu dân cư, cuộc sống kinh tế gia đình chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt cá ở sông nên rất khó khăn. Trong khi đó, đường vào bản chỉ là đường mòn, trèo đèo, lội suối, nước sinh hoạt hàng ngày được lấy tại các vách núi, sông; không được dùng nước hợp vệ sinh như ở khu TĐC này. Từ khi đến khu TĐC mới này, gia đình được Đảng và Nhà nước hỗ trợ 300 m2 đất ở và 4.000 m2 đất sản xuất, hỗ trợ kinh phí làm nhà 9 triệu đồng/hộ; hỗ trợ di chuyển 3 triệu đồng; mắc điện 1 triệu đồng; làm bể nước 1 triệu đồng. Ngoài ra, còn được hỗ trợ lương thực 100.000 đồng/tháng, trong sáu tháng đầu tiên và hỗ trợ phát triển sản xuất. Tết này là Tết đầu tiên gia đình ông Thống thấy vui sướng và hạnh phúc nhất.

Tuy nhiên, việc thực hiện các dự án ĐCĐC trên địa bàn tỉnh cũng gặp những khó khăn do tiến độ thực hiện dự án chậm so với kế hoạch đề ra; việc thực hiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ đến nay chưa hoàn thành. Hơn nữa, chính sách được thực hiện đa phần ở địa bàn vùng cao, sâu, xa, vùng đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại vất vả, trình độ dân trí thấp, phong tục tập quán trong đời sống sinh hoạt của đồng bào còn lạc hậu. Một số địa phương cơ sở công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến chính sách đến hộ dân đôi khi chưa kịp thời. Đối với dự án xen ghép mức kinh phí hỗ trợ trực tiếp cho hộ và ngân sách xã thấp hơn so với nhu cầu thực tế thực hiện nên ảnh hưởng một phần đến việc tổ chức triển khai thực hiện...