DetailController

Chính trị

Hiệu quả sắp xếp đơn vị hành chính ở tỉnh Hòa Bình

26/10/2020 00:00
Bài 1: Quyết tâm cao, chuẩn bị tốt, cách làm sáng tạo
Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND xã Hợp Phong, huyện Cao Phong phục vụ tốt nhu cầu người dân đến giao dịch

Với quyết tâm chính trị cao, chủ động chuẩn bị tốt các kịch bản, phương án, huy động cả hệ thống chính trị tham gia, gắn với kiểm tra, đôn đốc, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, phát sinh, tỉnh Hòa Bình đã thực hiện tốt Nghị quyết TƯ 6 (khóa XII), Nghị quyết 37-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết 830/NQ-UBTVQH 14 của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Toàn tỉnh giảm 1 đơn vị hành chính cấp huyện; giảm 59/210 đơn vị hành chính cấp xã, giảm 28,1% ( đứng đầu cả nước về giảm đơn vị hành chính cấp xã), bảo đảm thời gian, lộ trình và mục tiêu đề ra.

Đặt mục tiêu cao hơn, khuyến khích sắp xếp thêm 28 xã  
Sắp xếp đơn vị hành chính cấp là chủ trương lớn, quan trọng, đúng đắn và cần thiết. Song là việc làm mới và khó. Đối với tỉnh Hòa Bình có những khó khăn đặc thù. Qua các thời kỳ lịch sử phát triển, trên địa bàn tỉnh đã có nhiều lần sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính các cấp. Thời điểm năm 2019, toàn tỉnh Hòa Bình có 11 đơn vị hành chính cấp huyện (gồm 10 huyện và 01 thành phố), 210 đơn vị hành chính cấp xã (gồm: 191 xã, 08 phường và 11 thị trấn), dân số trên 85 vạn người, hơn 70% là người dân tộc. Quy mô dân số, diện tích tự nhiên của đơn vị hành chính cấp xã có sự chênh lệch lớn, nhiều đơn vị chưa đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định. Đặc biệt có nhiều đơn vị hành chính cấp xã chưa đáp ứng 50% tiêu chuẩn quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo quy định. Dân cư phân bố không đồng đều, phân tán rải rác ở các vùng, nhiều xóm chỉ có vài chục hộ dân, cách xã trung tâm xã. Địa hình đồi, núi bị chia cắt nhiều; hệ thống giao thông khó khăn. Quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị trên địa bàn tỉnh chưa điều chỉnh, mở rộng để phù hợp với tiêu chuẩn đơn vị hành chính đô thị hiện hành. Tỷ lệ đô thị của tỉnh  rất thấp, chỉ bằng 46,31% so với cả nước ( thời điểm năm 2016).
 Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp xã lớn, không tương xứng so với quy mô dân số và yêu cầu. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở còn hạn chế. Đầu tư xây dựng trụ sở làm việc và chi thường xuyên từ ngân sách Nhà nước cho hoạt động hành chính cấp xã quá cao so với thu ngân sách của địa phương. Tính bình quân chung toàn cứ 185 người dân có 01 người là cán bộ, công chức cấp xã; cao gần 02 lần so với bình quân của cả nước. 
Tỉnh Hòa Bình đã chủ động triển khai việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy trước khi có Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 24-12-2018 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và cấp xã. Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của BCH TƯ Khóa XII “ Một số vấn đề tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực hiệu quả”,  BTV Tỉnh ủy Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết số 21-NQ/TU ngày 27/02/2018 về thực hiện sắp xếp, tổ chức lại ĐVHC cấp xã, tỉnh Hòa Bình. Theo đó: Ngoài các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định về quy mô dân số, diện tích tự nhiên; thì tỉnh Hòa Bình quy định sắp xếp đối với các đơn vị hành chính cấp xã chưa đạt 20% tiêu chuẩn về diện tích hoặc chưa đạt 30% tiêu chuẩn về quy mô dân số; khuyến khích nhập các đơn vị hành chính cấp xã với thị trấn để mở rộng quy hoạch đô thị và thuận lợi trong quy hoạch khu cụm công nghiệp, vùng kinh tế trọng điểm của tỉnh và các địa phương.  Như vậy, ngay từ đầu, tỉnh Hòa Bình đã có  quyết tâm rất cao, không chỉ dừng lại ở việc sắp xếp theo kế hoạch “ bắt buộc” giảm 31 xã. Diện khuyến khích thêm sắp xếp là 28 xã. 
Trên cơ sở Nghị quyết số 37-NQ/TW ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 653/2019/UBTVQH14 ngày 12/3/2019 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Nghị quyết số 32/NQ-CP ngày 14/5/2019 của Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021. Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo của tỉnh và ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện trên phạm vi toàn tỉnh. Quyết tâm cao thực hiện và khuyến khích các xã thực hiện sáp nhập có thể xem là sự vận dụng sáng tạo và phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh Hòa Bình. Nhưng để hiện thực hóa cũng gặp nhất nhiều khó khăn.
Hệ thống chính trị vào cuộc, không để “ vỡ trận” 
Đồng chí Nguyễn Viết Trọng, nguyên Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình cho biết: Đối với tỉnh Hòa Bình việc sắp xếp đơn vị hành chính không dễ dàng. Bởi nó tác động đến toàn bộ lịch sử, văn hoá, KT-XH ở mỗi địa phương; liên quan đến việc sắp xếp tổ chức lại bộ máy và hoạt động của cả hệ thống chính trị và trực tiếp liên quan, ảnh hưởng đến mọi tổ chức và Nhân dân. Khi sáp nhập đơn vị hành chính có rất nhiều tâm tư, băn khoăn nhất là cán bộ, đảng viên, công chức. Sáp nhập tức là có người được tăng chức, có người mất chức, người được làm gần, người phải đi xa. Rồi tư tưởng cộng đồng, dòng họ, rồi không muốn “ phá vỡ” công việc đã ổn định.  Trong quá trình thực hiện, ngay cả một số lãnh đạo cấp sở, ngành cũng có ý kiến dù là ngoài lề cho rằng:  TỉnhHòa Bình tự dưng “ mua việc”, tiên phong làm gì, trong khi một số tỉnh thành phố khác, cũng khởi động thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, nhưng vừa làm vừa nghe ngóng, biết đâu không thành công ăn “ quả đắng”. Đúng là thời gian đầu, ở một địa phương trong tỉnh cũng trùng trình chẳng muốn làm, nhiều lần lấy ý kiến cử trí tỷ đồng thuận đạt rất thấp. Ngay từ đầu Tỉnh ủy Hòa Bình đã nhận  rõ thực tế này là dễ hiểu. Khó khăn do sáp nhập chỉ là trước mắt, còn thuận lợi là cơ bản, lâu dài. Theo đó đã tập trung chỉ đạo quyết liệt thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính.

Với quyết tâm không bàn lùi, không để “ vỡ trận”, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ việc chỉ đạo điểm sáp nhập tổ xóm, tổ dân phố trước đó, tỉnh Hòa Bình đã chuẩn bị kỹ lưỡng, thận trọng từ việc nắm bắt thực tế, xây dựng kế hoạch, phân công nhiệm cụ thể, rõ ràng gắn với trách nhiệm người đứng đầu thực hiện lộ trình sáp nhập đơn vị hành chính trên địa bàn. Tỉnh đã huy động cả hệ thống chính trị tham gia tuyên truyền tạo sự thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân thấy được tính cần thiết, lợi ích về việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh. Các cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy, HĐND- UBND tỉnh, UBMTTQ tỉnh và các tổ chức CT-XH tỉnh căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tham mưu cho tỉnh cụ thể hóa  thực hiện các quy định sáp nhập, sắp xếp đơn vị hành chính và phương án thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính cấp xã. Tỉnh đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc kiện toàn, sắp xếp tổ chức cơ sở đảng và các tổ chức liên quan ở các địa phương theo quy định; lựa chọn làm điểm mô hình nhập xã, thị trấn theo hướng mở rộng đô thị và mô hình nhập các xã có quy mô dân số, diện tích tự nhiên nhỏ. Rà soát, xây dựng phương án, tổ chức thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã đảm bảo hợp lý, phù hợp với điều kiện của từng địa phương..., rà soát, đánh giá trình độ năng lực cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng và  triển khai phương án sắp xếp kiện toàn củng cố hệ thống chính trị, bảo đảm đúng chức năng, nhiệm vụ, vị trí việc làm cơ sở theo quy định hiện hành. Đồng thời xây dựng và triển khai phương án thực hiện chế độ, chính sách tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức dôi dư do sắp xếp lại tổ chức bộ máy, nhân sự; cơ cấu lại cán bộ, công chức, viên chức theo quy định. 
Tỉnh ủy Hòa Bình kiên định thực hiện mục  và nguyên tắc thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính được tuân thủ đó là: là phải tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động quản lý, điều hành của hệ thống chính trị; tinh giản biên chế, giảm chi phí hành chính gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Khi triển khai phải bảo đảm rất công khai, minh bạch, khách quan, vô tư, khoa học và đúng pháp luật; phải đảm bảo ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không làm gián đoạn và ảnh hưởng đến nhiệm vụ chính trị; không gây tâm lý hoang mang, làm xáo trộn đời sống sinh hoạt của Nhân dân... 
Công tác “quan vận”-  vận động cán bộ, đảng viên, công chức thực hiện chủ trương sáp nhập được đặc biệt chú trọng. Theo Bí thư Đảng ủy xã Hợp Phong ( huyện Cao Phong) Bùi Đức Thuận, quan trọng là tư tưởng cán bộ, đảng viên, công chức phải thông. Đối với người dân chỉ cũng có tâm tư nhưng chỉ là lo lắng về  khi thực hiện các thủ tục giấy tờ hành chính có thuận lợi hay không. Băn khoăn, tâm tư là chủ yếu ở cán bộ, công chức, nhiều người vừa hoàn thiện trình độ đạt chuẩn đã có hướng bố trí, sắp xếp việc làm. Sau này, khi sáp nhập chưa biết như thế nào. Mặt khác nhiều các chức danh trưởng các tổ chức đoàn thể, từ 2 sẽ chỉ còn được một, rồi đang bí thư cấp ủy, Chủ tịch chính quyền sẽ ra sao. Huyện Cao Phong  và và các xã sáp nhập đã làm tốt tuyên truyền vận động cán bộ, công chức trên địa bàn, phân công trách nhiệm cho từng đồng chí lãnh đạo vận động người thân, gia đình, huy động sự vào cuộc của người có úy tín tham gia để tuyên truyền sự cần thiết và xu thế bắt buộc phải sáp nhập mở ra cơ hội phát triển mới cho KT-XH. Công tác tuyên truyền được thực hiện liên tục trong suốt nhiều tháng. Đến thời điểm lấy ý kiến, tỷ lệ cử tri đồng thuận với chủ trương sáp nhập đạt trên 94%. 
Tại thành phố Hòa Bình- thực hiện sáp nhập huyện Kỳ Sơn với thành phố có bao nhiêu cán bộ, công chức cũng là ngần đó tâm tư, băn khoăn. Ở thành phố thời điểm thực hiện phương án nhập, điều chỉnh toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Thống Nhất với 4 tổ dân phố thuộc phường Chăm Mát để thành lập phường Thống Nhất cũng rất căng thẳng. Dư luận cho rằng, thành phố làm ngược, khi nhập phường về xã, phường Chăm Mát sẽ bị “ xóa sổ”, lần lấy ý kiến đầu đạt khoảng 20%. Tỉnh, thành phố xác định cách thức tuyên truyền chưa đúng và thống nhất nên đã chỉ đạo giải quyết kịp thời với với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, thành phố đã làm tốt công tác vận động, tuyên truyền, tỷ lệ lấy phiếu cử tri lần 2 đạt trên 70%. 
Trên cơ sở công tác chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng, tháng 5/2019, tỉnh Hòa Bình đã thống nhất triển khai phương án: Hợp nhất huyện Kỳ Sơn vào thành phố Hòa Bình (giảm 01 đơn vị cấp huyện); sắp xếp 106 đơn vị hành chính cấp xã để hình thành 47 đơn vị, giảm 31 đơn vị chưa đạt 50 % tiêu chuẩn theo quy định, giảm 28 đơn vị thuộc diện khuyến khích của Trung ương và chủ trương của tỉnh, trong đó có: 20 phương án sắp xếp 02 đơn vị thành 01 đơn vị, 15 phương án sắp xếp 03 đơn vị thành 01 đơn vị, 04 phương án sắp xếp 03 đơn vị thành 02 đơn vị, 01 phương án sắp xếp 04 đơn vị thành 02 đơn vị và 01 phương án sắp xếp 05 đơn vị thành 02 đơn vị. 
Tỉnh Hòa Bình đã tạo được sự đồng thuận rất cao thực hiện chủ trương sáp nhập. Đến ngày 30/6/2019 đã có 100 % các xã, phường, thị trấn tổ chức xong việc lấy ý kiến của cử tri đạt từ 90% trở lên, không có đơn vị nào dưới 60% cử tri nhất trí về phương án sáp nhập. Từ kết quả đó, Tỉnh Hòa Bình đã trình Chính phủ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; ngày 17/12/2019 Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 830/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Hòa Bình; theo đó các đơn vị hành chính cấp huyện giảm 01 huyện, giảm 59 đơn vị hành chính cấp xã, Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 10 huyện, thành phố (gồm: 09 huyện và 01 thành phố), 151 xã, phường, thị trấn (gồm: 131 xã, 10 phường và 10 thị trấn), tỷ lệ giảm số lượng đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh đạt 28 % trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã trước khi sắp xếp, cao nhất cả nước. Đến ngày 20/02/2020, thành phố Hòa Bình và các xã, phường, thị trấn hợp nhất đã hoàn thành việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; trụ sở, trang thiết bị và đi vào hoạt động theo đơn vị hành chính mới theo đúng Nghị quyết 830 của Quốc hội. Đó là sự chuẩn bị tốt, là sự đồng lòng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và cử tri. 
                                                                                         

 

Tang tuong phan Giam tuong phan
Đánh giá bài viết

0.0/5 (0 Lượt đánh giá)