DetailController

Kinh tế

Hiệu quả của vốn tín dụng chính sách đối với công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh

29/08/2023 16:30
Tín dụng chính sách xã hội là một trong những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước nhằm mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, hỗ trợ vốn cho các hộ gia đình có thu nhập thấp, nhiều khó khăn tự vươn lên, góp phần bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Một buổi giao dịch tại phường Thịnh Lang của các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội

Những năm qua, tín dụng chính sách luôn được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo triển khai thực hiện, qua đó, đã tạo được sự đồng thuận và tham gia tích cực của các cấp, các ngành, các địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân trong tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện. Giúp cho người dân ở các thôn, bản trong tỉnh đều được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách, xóa bỏ hoàn toàn thôn, bản trắng về tín dụng ưu đãi. Thực tế, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2020 – 2025, nguồn vốn từ Ngân hàng chính sách xã hội với mức vay cao hơn, lãi xuất thấp hơn và thời gian cho vay dài hơn đã góp phần quan trọng giúp các hộ nghèo và hộ chính sách trên địa bàn tỉnh được tiếp cận với kênh tín dụng ưu đãi của Chính phủ giúp bà con có điều kiện phát triển kinh tế thoát nghèo và làm giầu. Kết quả thực hiện qua các năm cụ thể như sau:

Năm 2021: Thực hiện các chương trình tín dụng năm 2021 ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hòa Bình đã cho 33.562 lượt khách hàng vay vốn với danh số cho vay là 1.260.540 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm trong đó có 4.506 lượt hộ nghèo vay với doanh số cho vay là 193.950 triệu đồng; 5.003 lượt hộ cận nghèo vay với doanh số cho vay là 220.356 triệu đồng; 4.381 lượt hộ mới thoát nghèo vay với doanh số cho vay là 205.528 triệu đồng và một số chương trình khác... Đến hết 31/12/2021 tổng số khách hàng còn dư nợ vốn là 120.947 hộ với tổng dư nợ là 3.624.991 triệu đồng.

Năm 2022: Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hòa Bình đã cho 33.957 lượt khách hàng vay vốn với danh số cho vay là 1.405.466 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm trong đó có: 6.241 lượt hộ nghèo vay với doanh số cho vay là 307.252 triệu đồng; 4.166 lượt hộ cận nghèo vay với doanh số cho vay là 204.240 triệu đồng; 1.610 lượt hộ mới thoát nghèo vay với doanh số cho vay là 81.150 triệu đồng và một số chương trình khác... Đến hết 31/12/2022 tổng số khách hàng còn dư nợ vốn là 122.908 hộ với tổng dư nợ là 3.827.609 triệu đồng

Đến 31 tháng 7 năm 2023: Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Hòa Bình đã cho 19.176 lượt khách hàng vay vốn với danh số cho vay là 744.555 triệu đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh, giải quyết việc làm trong đó có: 3.296 lượt hộ nghèo vay với doanh số cho vay là 165.253 triệu đồng; 2.517 lượt hộ cận nghèo vay với doanh số cho vay là 131.596 triệu đồng; 1.366 lượt hộ mới thoát nghèo vay với doanh số cho vay là 73.856 triệu đồng và một số chương trình khác... Đến hết 31/7/2023 tổng số khách hàng còn dư nợ vốn là 126.086 hộ với tổng dư nợ là 4.514.851 triệu đồng.

Tuy nhiên, nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách, nhất là nguồn vốn cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm. Tăng trưởng tín dụng hàng năm chủ yếu từ nguồn vốn của Trung ương. Chất lượng tín dụng một số nơi còn thấp. Một số hộ sau khi vay vốn bỏ đi khỏi địa phương không xác định được thông tin hoặc địa chỉ, gây khó khăn trong công tác thu hồi, xử lý nợ. Tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo được áp dụng cho các hộ gia đình ra khỏi danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vòng 3 năm chưa đủ đảm bảo thời gian để các hộ gia đình có điều kiện thoát nghèo bền vững. Ngoài ra, tại một số địa phương thì công tác phối hợp hướng dẫn, hỗ trợ người dân trong việc sử dụng vốn của các cơ quan, tổ chức chính trị - xã hội còn hạn chế dẫn đến một bộ phận người nghèo sử dụng vốn vay chưa hiệu quả, chưa thoát nghèo bền vững,…

Thời gian tới, tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp huy động tăng cường nguồn lực cho Ngân hàng Chính sách xã hội; tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình vay vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng chính sách xã hội; tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nâng cao vai trò Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với hoạt động chính sách tín dụng…

Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo được phê duyệt tại Quyết định số 3158/QĐ-UBND ngày 30/12/2021 của UBND tỉnh theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 (số liệu đầu kỳ rà soát cuối năm 2021) thì tỷ lệ nghèo đa chiều toàn tỉnh là 26,14% trong đó: Hộ nghèo: 34.029 hộ, chiếm tỷ lệ 15,49% so số hộ toàn tỉnh; Hộ cận nghèo: 23.388 hộ, chiếm tỷ lệ 10,65% so số hộ toàn tỉnh. Theo kết quả rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo cuối năm 2022 được phê duyệt tại Quyết định số 3347/QĐ-UBND ngày 26/12/2022 của UBND tỉnh thì tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 22,32%, trong đó: Số hộ nghèo giảm còn 27.091 hộ, chiếm tỷ lệ 12,29%; Hộ cận nghèo: 22.114 hộ chiếm tỷ lệ 10,03% so với tổng số hộ dân trên địa bàn. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh cuối năm 2022 giảm 3,2% đạt 128% kế hoạch tỉnh giao (3,2%/2,5%) Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo Đà Bắc giảm 6,62/6,36 đạt 104,1% kế hoạch của tỉnh giao, tương đương giảm 941 hộ nghèo./.