Chính sách miễn thu thủy lợi phí được bắt đầu thực hiện từ năm 2003 theo Nghị định 143/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Tại tỉnh ta, các công trình thủy nông phải bơm nhiều cấp mới có đủ nước vào ruộng cho bà con gieo cấy nên chi phí cao, thủy lợi phí vẫn là khoản đóng góp lớn của nông dân, do vậy chính sách miễn thủy lợi phí có ý nghĩa quan trọng góp phần vào phát triển nông nghiệp.

Qua hơn 10 năm, chính sách miễn thu thủy lợi phí đã được đổi mới nhiều lần cho phù hợp với từng thời kỳ, phục vụ tốt hơn cho sản xuất nông nghiệp: Năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 115/2008/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003; Năm 2012 Chính phủ ban hành Nghị định số 67/2012 ngày 10/9/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP và ban hành Thông tư số 41/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Nghị định, quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thủy lợi. Trong đó quy định miễn thủy lợi phí đối với một số trường hợp như đất nông nghiệp phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm…; miễn thủy lợi phí đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp được Nhà nước giao, đất nông nghiệp được Nhà nước giao cho hộ nghèo; miễn thủy lợi phí đối với diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất nông nghiệp cho các đối tượng trong các trường hợp cụ thể.
Qua hơn hai năm thực hiện tại địa bàn tỉnh Hòa Bình, chính sách miễn thu thủy lợi phí (TLP) theo Nghị định số 67/2012/NĐ-CP đã tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các đơn vị quản lý khai thác công trình do mức thu TLP quy định tăng gần 1,5 lần so với Nghị định 115/2008/NĐ-CP. Bên cạnh đó đối tượng cấp bù được mở rộng, do đó diện tích sản xuất nông nghiệp được người dân tận dụng, khai thác triệt để, tăng diện tích tưới góp phần thúc đẩy sản xuất đáp ứng nhu cầu của các công ty khai thác công trình thủy lợi, các hộ dùng nước và người nông dân.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 02 mô hình quản lý hệ thống công trình thủy lợi là cấp tỉnh có công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình và cấp huyện trực tiếp là UBND các xã, thị trấn hoặc các Hợp tác xã dùng nước. Kết quả trong 3 năm thực hiện chính sách TLP, từ năm 2012 diện tích được miễn thủy lợi phí là trên 41 nghìn ha, kinh phí hỗ trợ trên 23 tỷ đồng; năm 2013 diện tích được miễn TLP là 42,9 nghìn ha, kinh phí hỗ trợ trên 51 tỷ đồng; năm 2014 có trên 46 nghìn ha diện tích được miễn thủy lợi phí, kinh phí hỗ trợ trên 54 tỷ đồng. Nhờ đó diện tích tưới tiêu tăng lên hàng năm, năm 2013 tăng 1,6 nghìn ha so với năm 2012, năm 2014 tăng 3,5 nghìn ha so với năm 2013 do một số công trình được cải tạo, nâng cấp tăng thêm năng lực tưới, diện tích tưới cho cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản được điều tra, bổ sung.
Trong 3 năm từ 2012 – 2014, đã có 124 công trình thủy lợi do Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý; có 42 công trình thủy lợi, 32 km kênh mương do cấp huyện quản lý được sửa chữa từ nguồn kinh phí cấp bù. Công tác phân cấp quản lý khai thác công trình thủy lợi được thực hiện rõ ràng, Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi quản lý 312 công trình, còn lại là các huyện, thành phố và các nông trường.
Đến thời điểm hiện tại hệ thống công trình thủy lợi tỉnh Hòa Bình có 1.588 công trình lớn nhỏ phục vụ tưới cho khoảng 50 nghìn ha lúa, màu 2 vụ. Trong đó có 312 công trình thủy lợi có quy mô lớn giao cho Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình khai thác, còn lại gần 1.200 công trình do các tổ hợp tác, hợp tác xã dùng nước cấp huyện quản lý. Tới nay, đánh giá đối tượng miễn thủy lợi phí theo Nghị định 67, quy định về mức thu phù hợp với địa phương. Tuy nhiên việc cấp phát kinh phí miễn thu thủy lợi phí theo Nghị định 67 còn chậm. Việc thực hiện chính sách còn một số vướng mắc, đề nghị Bộ NN&PTNT có hướng dẫn cụ thể hơn về các khoản chi phí từ nguồn cấp bù thủy lợi cho doanh nghiệp nhà nước và các đơn vị quản lý thủy nông cơ sở, hướng dẫn cơ chế tài chính cụ thể chung đối với các tổ chức dùng nước. Có chủ trương hỗ trợ từ nguồn kinh phí miễn thủy lợi để xây dựng định mức kinh tế - kỹ thuật chung cho toàn tỉnh, phù hợp với tình hình quản lý khai thác công trình hiện tại./.