Tâm sự với tôi, chị Dung trải lòng mình nhớ lại những tháng ngày cơ cực. Sinh ra trong một gia đình nghèo, không có điều kiện học hành,vất vả với nghề nông, rồi chị lấy chồng. Những tưởng cuộc sống vợ chồng có thể nương tựa vào nhau. Nào ngờ hạnh phúc chưa được bao lâu thì chồng chị bị bệnh qua đời, để lại một mình chị 2 đứa con thơ, đứa lớn 4 tuổi, đứa bé chưa đầy 2 tuổi. Người vợ mất chồng khi ấy mới 26 tuổi. Không dấu lòng mình, chị kể hằng đêm trong ngôi nhà tranh vách đất, chị buồn tủi, tuyệt vọng, nằm ôm con rồi lại khóc. Người mẹ trẻ lo cho mình thì ít, nhưng chị thương các con rồi đây không biết tương lai sẽ ra sao. Vào những ngày mùa giáp hạt, nhiều khi 3 mẹ con vẫn thường xuyên phải chịu cảnh đứt bữa. Hoàn cảnh 2 bên nội, ngoại đều khó khăn nên không thể nhờ cậy được. Chị tần tảo sớm hôm với đủ nghề, từ đi buôn sả, buôn khoai, rồi chị nhận thêm đất trồng sắn, trồng keo để kiếm tiền lo cho các con ăn học. Thấu hiểu được nỗi khổ cũng như vất vả của mẹ, các con chị đều chăm ngoan, học giỏi đã giúp chị có thêm động lực để cố gắng hơn. Năm 2002, nhờ thu hoạch từ tiền bán keo, chị đã tích góp xây dựng được 3 gian nhà mái ngói cấp 4, còn vốn chị đầu tư xây chuồng trại để chăn nuôi lợn, gà và làm kinh tế.
Đến năm 2008- 2009, được sự hỗ trợ của dự án ADDA (Đan Mạch) và Trường Cao đẳng NN-PTNT Bắc bộ, huyện Lương Sơn đã triển khai mô hình trồng rau hữu cơ trên địa bàn huyện. Chị Dung và các chị em khác may mắn được tham gia lớp tập huấn và được phổ biến kinh nghiệm. Đầu ra cho sản phẩm rau hữu cơ được dự án hỗ trợ bao tiêu với giá bán 15.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ ổn định chủ yếu bán cho Công ty Tâm Đạt (Hà Nội) và trường cao đẳng Cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Dung được bầu làm Trưởng nhóm nông nghiệp hữu cơ xóm Đầm Đa, nhóm của chị hoạt động với 5 thành viên, diện tích 3.000 m2. Cánh đồng trồng các loại rau cải, rau thơm, mùa này có thêm su hào, bắp cải, súp lơ... Thu hoạch bình quân 7-8 tạ rau/ tháng. Thu nhập bình quân của các thành viên khoảng 3 triệu đồng/người/tháng. Từ đây, chị có nguồn thu nhập ổn định để lo cho con gái đang học chuyên ngành chăn nuôi thú y trường Đại học nông nghiệp Bắc Bộ.
Ngoài ra, từ tháng 5/2012, tận dụng diện tích vườn, gia đình chị Dung thực hiện nuôi gà hữu cơ theo hình thức chăn thả trên diện tích vườn 2.500 m2. Thức ăn cho gà chủ yếu là nguồn rau xanh hữu cơ, ngô, sắn, ngoài ra chị cho ăn thêm bột cá. Gà hữu cơ tuyệt đối không được dùng thức ăn có tăng trọng, không được sử dụng kháng sinh cho việc tiêm phòng. Vì vậy những ngày đầu còn thiếu kinh nghiệm nuôi, chưa biết cách chăm sóc nên chị phải đi tham quan, học hỏi mô hình nuôi gà ở Sóc Sóc (Hà Nội). Lứa đầu tiên chị nuôi 90 con, về sau bình quân chị nuôi 200-300 con/lứa, khoảng 6 tháng chị xuất 1 lứa. Chủ yếu xuất bán cho Công ty Vinagap với giá 170.000 đồng/kg. Vào tháng 9/2013, mô hình nuôi gà hữu cơ của gia đình chị đã được cấp giấy chứng nhận PGS. Đó là chứng nhận về sản phẩm nông nghiệp sạch, rất có giá trị cạnh tranh với hàng hóa trên thị trường hiện nay.Tính trung bình năm trừ chi phí, gia đình chị thu về khoảng 330 triệu đồng/năm từ tiền nuôi gà, lợn. Bằng vốn kiến thức đã học được qua các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, qua các phương tiện thông tin đại chúng và đặc biệt là vốn kinh nghiệm tích luỹ từ thực tế trồng rừng trước đây. Bên cạnh việc trồng rau, nuôi gà, lợn chị còn nhận thêm đất trồng rừng. Đến nay, gia đình chị có trên 3ha đất rừng trồng keo sắp cho thu hoạch. Trời không phụ người chịu khó, bằng sự cần cù lao động và phát triển kinh tế đúng hướng, từ một người phải chạy ăn từng bữa, đến nay, chị Dung được biết đến là tấm gương phụ nữ làm kinh tế giỏi.
Có điều kiện về vốn, kỹ thuật, cây, con giống, chị Nguyễn Thị Dung đã luôn sẵn sàng giúp đỡ các chị em trong xóm, xã học hỏi và làm theo. Nhiều năm nay chị đã cho các chị em vay tiền để phát triển kinh tế gia đình mà không lấy lãi như các hộ gia đình chị Hoàng Thị Thông, Bùi Thị Phúc, Kiều Thị Huê, Bạch Thị Yến… đều ở xóm Đầm Đa, xã Hợp Hòa. Bên cạnh đó, từ tiền bán rau hàng ngày, với vai trò là trưởng nhóm sản xuất rau hữu cơ Đầm Đa, chị đã vận động chị em trong nhóm trích lại số tiền nhỏ để làm quỹ. Số tiền tuy không nhiều, chỉ khoảng hơn 10 triệu đồng/năm nhưng đã giúp các hộ trao đổi để phát triển kinh tế gia đình.
Đồng chí Phùng Thị Lan, Chủ tịch Hội nông dân huyện Lương Sơn cho biết: Những năm gần đây bên cạnh việc mở rộng phát triển các khu công nghiệp, huyện Lương Sơn cũng đang hướng đến việc phát triển nền nông nghiệp hữu cơ hiệu quả và bền vững. Thực tế cho thấy thị trường tiêu thụ các sản phẩm hữu cơ ngày càng lớn, hiệu quả từ trồng rau hữu cơ gấp 3 đến 4 lần trồng lúa và các cây trồng khác. Mô hình trồng rau và các sản phẩm hữu cơ phù hợp với tất cả các hộ nông dân có ý chí làm giàu bằng chính sức lực của mình. Với những kết quả đạt được trong việc phát triển kinh tế gia đình và giúp đỡ các hội viên khác, chị Nguyễn Thị Dung được các cấp Hội nông dân tặng thưởng giấy khen trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi”./.