Hiện nay, Tiếng Anh là môn ngoại ngữ duy nhất được đưa vào dạy học ở các cấp học trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu của bộ môn là giúp học sinh sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp ở mức độ cơ bản dưới các dạng nghe, nói, đọc, viết, tiến tới mục tiêu giúp học sinh tương đối hệ thống và hoàn chỉnh về tiếng Anh, phù hợp với trình độ, lứa tuổi…
Việc nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo luôn được ngành xác định là một nhiệm vụ trọng tâm, nhằm thực hiện mạnh mẽ việc đổi mới giáo dục. Hiện nay, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo đa dạng hóa các chương trình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng nhằm đáp ứng mục tiêu đào tạo và nhu cầu học ngoại ngữ của học sinh, sinh viên. Quan tâm xây dựng và phát triển môi trường thực hành ngoại ngữ thông qua phát triển các cộng đồng học tập ngoại ngữ. Đồng thời, tiếp tục bồi dưỡng đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ, đặc biệt là đội ngũ giáo viên ngoại ngữ phổ thông đáp ứng yêu cầu triển khai chương trình ngoại ngữ 10 năm.
Ngoài ra, Sở Giáo dục và Đào tạo cũng đã chỉ đạo các nhà trường tập trung bồi dưỡng về phương pháp dạy học tiếng Anh đối với giáo viên tiểu học chưa đạt chuẩn về năng lực hoặc chưa được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm được đi học để đạt chuẩn yêu cầu trước khi phân công dạy học. Bố trí dạy 4 tiết/tuần đối với giáo viên tiểu học đạt bậc 4 (B2) trở lên theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam. Thực hiện tinh giảm biên chế đối với giáo viên đã được tạo điều kiện thuận lợi tham gia bồi dưỡng mà không đạt yêu cầu.
Cùng với đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học thiết yếu; ứng dụng công nghệ thông tin, đổi mới học liệu dạy học ngoại ngữ. Tăng cường mở rộng, phát triển quan hệ hợp tác với các tổ chức giáo dục quốc tế, các cơ sở giáo dục nước ngoài. Tranh thủ tối đa hỗ trợ quốc tế trong lĩnh vực bồi dưỡng nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, giảng viên ngoại ngữ. Đổi mới việc thi, kiểm tra, đánh giá năng lực ngoại ngữ và ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ. Khuyến khích trường THPT Chuyên Hoàng Văn Thụ và một số trường có điều kiện dạy học song ngữ tiếng Anh đối với môn Toán và các môn tự nhiên.
Sở Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo các đơn vị căn cứ điều kiện thực tế tổ chức dạy học tăng cường Tiếng Anh lớp 1, lớp 2, chú trọng dạy đủ 4 kỹ năng. Trong đó tập trung phát triển kỹ năng nghe và nói. Học kỳ I năm học 2017 - 2018 vừa qua, tỷ lệ học sinh được học tiếng Anh đạt 58,9%; trong đó có 16,6% học sinh học 4 tiết/tuần và 37,1% học sinh học 2 - 3 tiết/tuần.
Thời gian tới, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường học. Trong đó, tập trung tổ chức bồi dưỡng năng lực ngoại ngữ, năng lực sư phạm, đặc biệt là năng lực ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học ngoại ngữ cho giáo viên, giảng viên; ưu tiên bồi dưỡng giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học, giáo viên tại các khu vực khó khăn. Tạo điều kiện để giảng viên, giáo viên dạy ngoại ngữ tham gia các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ đổi mới phương pháp giảng dạy, kiểm tra đánh giá, cách thức khai thác và sử dụng nguồn học liệu. Song song với đó, tỉnh cũng xác định tăng cường công tác truyền thông, hợp tác quốc tế, phát triển quy mô và xây dựng môi trường dạy học ngoại ngữ; đổi mới kiểm tra, đánh giá trong giảng dạy và học ngoại ngữ; ứng dụng công nghệ thông tin, tăng cường điều kiện dạy học ngoại ngữ; đẩy mạnh xã hội hóa.
Với những giải pháp cụ thể được đưa ra, tỉnh đang nỗ lực để phấn đấu thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, tạo nền tảng phổ cập ngoại ngữ cho giáo dục phổ thông./.