DetailController

Chính trị

Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) cần bảo đảm tính nguyên tắc, đúng quy định

13/11/2023 15:08
Thảo luận tại Tổ 15 về dự án Luật Thủ đô (sửa đổi), các ĐBQH tỉnh Hòa Bình mong rằng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này sẽ có quy định đột phá mang tính chất đặc thù, đặc biệt. Tuy nhiên, trên cơ sở của pháp luật sẽ có những rà soát bảo đảm tính nguyên tắc, đúng quy định của pháp luật.
Đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà, đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình tham gia phát biểu thảo luận tại Tổ về Dự án Luật Thủ đô (sửa đổi)

Theo Phó Trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc, Thủ đô Hà Nội là trung tâm chính trị, văn hóa, kinh tế quan trọng của Việt Nam, là trái tim của Tổ quốc. Bởi vậy, Bộ Chính trị đã có nhiều Nghị quyết về việc xây dựng, phát triển, quản lý, bảo vệ Thủ đô “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”. Để kịp thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, việc sửa đổi, khắc phục những tồn tại của Luật Thủ đô năm 2012 là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cũng mong rằng dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này sẽ có quy định mang tính đột phá hơn; có những quy định mang tính chất đặc thù, đặc biệt. Trên cơ sở của pháp luật, sẽ có những rà soát nhằm bảo đảm tính nguyên tắc, đúng quy định của pháp luật.

Về giải thích từ ngữ tại Điều 3 của dự thảo, ĐBQH Đặng Bích Ngọc đề nghị bổ sung khái niệm “Vùng Thủ đô” vào Điều 3 của dự thảo; đồng thời xem xét bỏ quy định tại Điều 46 của dự thảo. Bên cạnh đó, việc liệt kê cụ thể tên các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc vùng Thủ đô như tại khoản 2 Điều 46 là chưa phù hợp với điều kiện thực tế. Bởi, trong quá trình thực hiện Luật có sự thay đổi về tên gọi và sáp nhập địa giới hành chính của các địa phương có thể xảy ra, do đó việc quy định quá cụ thể sẽ dẫn đến phải sửa đổi luật mỗi khi thay đổi về địa giới hành chính.

Đối với việc liên kết, phát triển vùng Thủ đô. Theo quan điểm của đại biểu, các quy định về vùng Thủ đô không chỉ nhằm mục đích phục vụ sự phát triển của Thủ đô mà phải là sự phát triển bền vững của cả khu vực xung quanh Thủ đô. Tuy nhiên, các nội dung quy định tại khoản 5 Điều 48 và điểm a khoản 2 Điều 50, có thể gây khó khăn cho các địa phương thuộc vùng Thủ đô khi việc đề xuất các cơ chế, chính sách, quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, nhiệm vụ phát triển bền vững, công trình, dự án trọng điểm của địa phương. Bởi, theo quy định của dự thảo Luật thì các nội dung này đều phải thông qua Hội đồng điều phối vùng Thủ đô đề xuất. Như vậy các địa phương trong vùng Thủ đô sẽ khó chủ động để chủ động huy động các nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội bền vững, thực hiện các dự án đầu tư và nâng cao chất lượng cuộc sống của Nhân dân địa phương.

Đồng tình với quan điểm của các đại biểu về sự cần thiết phải sửa đổi Luật Thủ đô, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà cho biết cơ sở để sửa đổi Luật liên quan đến rất nhiều luật khác như Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Công chức, Luật Viên chức, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách Nhà nước... Do vậy, cần thống nhất quan điểm là những nội dung nào có trong các luật khác thì không quy định cụ thể trong luật này mà chỉ ghi là đối chiếu theo các quy định của pháp luật liên quan để tránh khi chúng ta sửa luật này thì các nội dung lại không phù hợp với pháp luật liên quan.

Cân nhắc, xem xét lại đối với một số cơ chế đặc thù cho Thủ đô

Liên quan đến cơ chế đặc thù cho Thủ đô, đại biểu Nguyễn Thị Phú Hà thống nhất với việc cần thiết phải xây dựng cơ chế đặc thù. Tuy nhiên, đại biểu cũng bày tỏ băn khoăn và đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc, xem xét lại đối với một số cơ chế đặc thù về công chức, viên chức và biên chế.

Bên cạnh đó, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát các điều khoản cụ thể nhằm đảm bảo thống nhất với các quy định pháp luật có liên quan khác, làm rõ các nội dung khác so với quy định pháp luật hiện hành để thuận lợi cho ĐBQH trong quá trình tham gia thảo luận, xem xét cho ý kiến nhằm đảm bảo tính khả thi khi Luật được thông qua./.