DetailController

Hoạt động của lãnh đạo tỉnh

Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương dự Hội nghị triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại tỉnh Hòa Bình

17/01/2024 15:41
Ngày 17/01, tỉnh Hòa Bình tổ chức Hội nghị Triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình”. Dự hội nghị có các đồng chí: Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Về phía tỉnh Hòa Bình, dự hội nghị có đồng chí Nguyễn Phi Long, Ủy viên Dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, các đồng chí trong BTV Tỉnh ủy, BCH Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ và các nhà khoa học, nhà nghiên cứu. Hội nghị được kết nối trực tuyến đến cấp xã.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định sự quan trọng của việc triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại tỉnh Hòa Bình

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: Văn hóa có vai trò quan trọng đối với mỗi quốc gia, dân tộc. Trong bối cảnh hiện nay, việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền, các dân tộc là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa góp phần củng cố nền tảng tinh thần của xã hội, tăng cường khối đại đoàn kết, khơi dậy khát vọng phát triển, vừa quảng bá du lịch, phát triển KT-XH. Thực hiện chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, ngày 24/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030" trên địa bàn tỉnh. Hội nghị là minh chứng rõ nét cho sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền tỉnh Hòa Bình đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, huy động các nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình"; khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo hướng bền vững.

Đồng chí Bùi Văn Khánh, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể của các vùng miền

Đề án "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền văn hóa Hòa Bình giai đoạn 2023 - 2030" trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nhằm nghiên cứu, đánh giá việc bảo tồn giá trị của nền "Văn hóa Hòa Bình", bản sắc văn hóa dân tộc Mường tỉnh Hòa Bình. Qua đó, khơi dậy, phát huy tiềm năng giá trị di sản văn hóa, hướng tới hình thành một số không gian văn hóa dân tộc Mường, không gian bảo tồn nền "Văn hóa Hòa Bình"; huy động nguồn lực đầu tư, quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống, di sản văn hóa khảo cổ gắn với phát triển du lịch bền vững, góp phần thúc đầy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đề án sẽ tập trung đầu tư xây dựng một số khu bảo tồn, khu không gian bảo tồn di sản văn hóa dân tộc Mường, Mo Mường; phục chế giá trị văn hóa vật thể; bảo tồn và phát triển 05 điểm du lịch cộng đồng; phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể dân tộc Mường; tăng cường quảng bá, phát huy nền “Văn hóa Hòa Bình”…

Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương đã biểu dương những thành tựu quan trọng mà Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã đạt được trong thời gian qua, nhất là trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình. Đồng chí khẳng định: Việc triển khai Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” tại tỉnh Hòa Bình là hoạt động có ý nghĩa thiết thực, khẳng định quyết tâm chính trị và tinh thần hành động của lãnh đạo tỉnh trong tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII và phát biểu chỉ đạo rất quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021.

Qua ý kiến của các đại biểu, chúng ta vui mừng nhận thấy: hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú và hết sức quý báu của các dân tộc đã được quan tâm đầu tư bảo tồn, phát huy tương đối hiệu quả, làm cho giá trị các di sản văn hóa thấm sâu, lan tỏa rộng rãi trong đời sống xã hội. Mối quan hệ giữa bảo tồn, bảo vệ và khai thác, phát huy di sản văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân được xử lý tương đối hài hòa. Đây là cơ sở, tiền đề rất quan trọng để tỉnh tiếp tục phát huy thành tựu, kinh nghiệm, tập trung khắc phục hiệu quả những hạn chế, bất cập trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người, góp phần phát triển nhanh và bền vững tỉnh Hòa Bình trong giai đoạn mới.

Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá dân tộc Mường và nền “Văn hoá Hoà Bình” giai đoạn 2023-2030 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa giá trị đặc sắc của văn hóa dân tộc Mường nói riêng và cộng đồng các dân tộc trên địa bàn tỉnh nói chung. Để thực hiện hiệu quả Đề án, trong thời gian tới, đề nghị Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Hòa Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, gắn kết chặt chẽ tổng thể các nhiệm vụ xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hòa Bình. Nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về quan điểm, chủ trương của Đảng. đồng chí nhấn mạnh: Nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” đảm bảo cân đối, hài hòa trong bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tốt đẹp của 6 dân tộc anh em; để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, góp phần xây dựng và củng cố vững chắc thế trận lòng dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Cần tiếp tục đổi mới tư duy, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa nói chung, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nói riêng trên địa bàn tỉnh. Quán triệt sâu sắc quan điểm: bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ thể, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng. Trong quá trình thực hiện Đề án cần quan tâm hơn nữa đến việc phát huy vai trò của chủ thể văn hóa là nhân dân trong bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế hợp tác bền vững giữa nhà nước - nhà khoa học - doanh nghiệp - cộng đồng chủ thể.

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả công tác nghiên cứu, kiểm kê, hoàn thiện cơ sở dữ liệu số; tạo cơ sở bảo tồn, phát huy bền vững giá trị di sản văn hóa truyền thống dân tộc Mường và các dân tộc anh em, trên nền tảng giá trị đặc sắc của nền “Văn hóa Hòa Bình”. Thúc đẩy phát triển văn học, nghệ thuật, gắn với phát huy vai trò của đội ngũ văn nghệ sĩ, nghệ nhân dân gian trong sáng tạo và trao truyền các giá trị di sản, phù hợp với yêu cầu của thời đại mới. Tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình. Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế về văn hóa, tăng cường phát triển văn hóa đối ngoại. Tỉnh tiếp tục phát huy giá trị 2 di sản văn hóa lớn là Mo Mường và nền “Văn hóa Hòa Bình” để nghiên cứu, lập hồ sơ, đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa thế giới.  Nhiệm vụ bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của đồng bào các dân tộc đóng vai trò then chốt trong công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Đó là nhiệm vụ vừa cấp thiết, vừa có tính chiến lược, lâu dài.

Đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương

Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Phi Long, Bí thư Tỉnh ủy trân trọng cảm ơn và tiếp thu những ý kiến quý báu của đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Trưởng BTG Trung ương, các nhà khoa học, tham luận của các đại biểu tại hội nghị. Đề án thể hiện sự quan tâm đặc biệt của cấp ủy, chính quyền tỉnh đến công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình”. Để thực hiện có hiệu quả Đề án, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị: Ban cán sự Đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp thu ý kiến chỉ đạo và các tham luận tại hội nghị để tổ chức triển khai thực hiện Đề án hiệu quả, thiết thực. Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền đến cán bộ, đảng viên và Nhân dân về công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc, các nội dung của Đề án. Tiếp tục hoàn thiện hồ sơ khoa học di sản văn hoá Mo Mường trình Thủ tướng Chính phủ trình UNESCO ghi danh vào danh sách Di sản văn hoá phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp; hoàn thiện hồ sơ đề nghị xếp hạng di tích Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú là di tích khảo cổ quốc gia đặc biệt, tiến tới xây dựng hồ sơ khoa học di sản nền Văn hóa Hòa Bình đề nghị UNESCO ghi danh vào danh mục di sản của nhân loại. Lập Dự án tu bổ, tôn tạo cảnh quan di tích khảo cổ quốc gia Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá Làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn. Các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ được phân công để hoàn thành mục tiêu Đề án theo đúng kế hoạch.../.

Tiết mục văn nghệ chào mừng hội nghị đậm bản sắc dân tộc Mường.