DetailController

Kinh tế

Định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, sử dụng và phát huy nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội

03/01/2024 16:30
Sau hơn 30 năm tái lập tỉnh đến nay, kinh tế - xã hội tỉnh Hòa Bình đạt được những thành tựu khá toàn diện, đưa Hòa Bình từ tỉnh có nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu trở thành nền kinh tế có sự phát triển nhanh, toàn diện trên các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp và dịch vụ; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc và đổi mới, đô thị sôi động ngày được hiện đại, đời sống kinh tế, văn hóa dân cư không ngừng được nâng cao; cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội đáp ứng phát triển sản xuất kinh doanh và đời sống dân cư, hạ tầng đô thị phát triển nhanh, ngày càng đồng bộ; tiềm lực kinh tế của tỉnh được nâng lên một nấc mới.
Phát triển toàn diện nguồn nhân lực về các mặt trí lực, thể lực, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp là một trong các khâu đột phá để thực hiện thắng lợi mục phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh

Để nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác, huy động, phân bổ sử dụng các nguồn lực kinh tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững, gắn phát triển kinh tế với phát triển xã hội, giảm chênh lệch về phát triển xã hội giữa các khu vực, đời sống nhân dân được nâng cao, môi trường được giữ vững, quốc phòng an ninh được bảo đảm; từng bước trở thành đầu tàu kinh tế vùng Tây Bắc. Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 08-KH/TU ngày 24/12/2020 với các mục tiêu cụ thể. Căn cứ Kế hoạch thực hiện của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể các cấp đã tổ chức quán triệt trong toàn thể đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về sử dụng và phát huy các nguồn lực của nền kinh tế trong thời gian qua. Trong đó có nguồn lực về con người, tài nguyên thiên nhiên, nguồn lực cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội; tài chính, tiền tệ.

Nhờ đó, tính đến nay, năm 2023, quy mô nền kinh tế ước đạt 61.426,73 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người/năm ước đạt 69,77 triệu đồng. Ước tính năm 2023 tăng trưởng kinh tế tăng 0,68%, trong đó lĩnh vực Nông lâm nghiệp thủy sản tăng 4,35%; lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng giảm 3,32%; lĩnh vực Dịch vụ tăng 3,65%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 0,43%. Cơ cấu nền kinh tế đang có sự chuyển dịch: lĩnh vực Nông lâm nghiệp thủy sản tỷ trọng từ 22,71% năm 2022 sang năm 2023 chỉ còn 22,12%; lĩnh vực Công nghiệp - Xây dựng từ 38,97% năm 2022 sang năm 2023 đạt 39,47%; lĩnh vực Dịch vụ từ 33,18 năm 2022 sang năm 2023 đạt 33,29%; Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm năm 2023 giảm 0,02 điểm phầm trăm so với năm 2022. Sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế đáng kể từ nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng sang ngành dịch vụ, đó là tín hiệu đáng mừng cho phát triển ngành dịch vụ, du lịch trên địa bàn tỉnh.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn năm 2023 ước thực hiện đạt 4.350,0 tỷ đồng, bằng 82% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 60% so với Nghị quyết HĐND tỉnh giao, giảm 18% so với thực hiện cùng kỳ năm 2022. Trong đó: Thu nội địa ước đạt 83% so với dự toán TTCP giao và giảm 41% so với dự toán HĐND tỉnh giao; thu xuất nhập khẩu bằng 65% dự toán TTCP và chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh, giảm 25% so với cùng kỳ; Thu tiền sử dụng đất ước đạt 1.000 tỷ đồng, bằng 29% so với chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh giao.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm 2,5%, từ 12,29% năm 2022 xuống còn 9,79% vào năm 2023. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có nhiều tiến bộ, đời sống tinh thần của dân cư được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo vững chắc.

Thành tựu kinh tế-xã hội năm qua có được do sự nỗ lực cố gắng của toàn Đảng, quân và dân tỉnh Hòa Bình, trong đó vai trò nổi bật của lãnh đạo Đảng, chính quyền đề ra đường lối, chủ trương phát triển kinh tế, xã hội đúng đắn, khai thác và phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh địa phương, đồng thời thu hút nhanh, mạnh các nguồn lực từ ngoài tỉnh đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Thành tựu kinh tế, xã hội đạt được là cơ sở, tạo đà cho tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh trong giai đoạn tiếp theo.

Từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2045, tỉnh Hòa Bình xác định quan điểm, định hướng quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực là: Phát triển nguồn nhân lực tỉnh Hòa Bình phải phù hợp với Chiến lược phát triển nhân lực Việt Nam qua từng giai đoạn cụ thể. Phát triển toàn diện nguồn nhân lực về các mặt trí lực, thể lực, đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp là một trong các khâu đột phá để thực hiện thắng lợi mục phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Phát triển nguồn nhân lực phải đảm bảo mục tiêu trước mắt và lâu dài. Đồng thời với việc nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của các cấp học, ngành học, tập trung đào tạo đội ngũ lao động để đáp ứng đủ cả về số lượng và chất lượng với cơ cấu hợp lý cho yêu cầu phát triển của tỉnh; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho người lao động. Nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; thực hiện tốt hơn nữa công tác giải quyết việc làm, việc làm mới đối với người lao động. Nâng cao chất lượng giáo dục chuyên nghiệp, thu hút các trường chuyên nghiệp công lập có thương hiệu, năng lực về đầu tư xây dựng cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và công nghệ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý; đạo đức lối sống trong sáng; có trình độ về chuyên môn nghiệp vụ vững vàng đáp ứng tiêu chuẩn ngạch công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức; tác phong làm việc dân chủ, khoa học, trách nhiệm; tận tụy, tâm huyết với nghề nghiệp; đáp ứng yêu cầu phục vụ nhân dân, tổ chức, doanh nghiệp và sự phát triển của tỉnh.

Đồng thời đề ra 06 giải pháp chung gồm có: Xây dựng và triển khai Chương trình đào tạo và chính sách trọng dụng nhân tài trong các lĩnh vực, đặc biệt là hình thành và phát triển đội ngũ chuyên gia đầu ngành trong quản lý hành chính, ngoại giao và kinh tế đối ngoại, quản trị kinh doanh, giáo dục - đào tạo …Xây dựng và triển khai thực hiện Kế hoạch nâng cao chất lượng và hiệu quả dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Triển khai Dự án dinh dưỡng học đường kết hợp tăng cường giáo dục thể chất và các hoạt động thể dục thể thao trong trường học. Ưu tiên đầu tư của Nhà nước và huy động vốn xã hội để giải quyết việc làm, giảm tỉ lệ thất nghiệp. Khuyến khích người lao động tự tạo việc làm, khuyến khích các doanh nghiệp phát triển các ngành nghề sử dụng nhiều lao động. Phát triển các dịch vụ phục vụ đời sống của người lao động ở các khu công nghiệp. Tiếp tục thực hiện chương trình xuất khẩu lao động, tăng tỉ lệ lao động xuất khẩu đã qua đào tạo, quản lý chặt chẽ và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động. Mở rộng các hình thức đào tạo, dạy nghề (chính quy, tại chức, ngắn hạn, dài hạn), trong đó tập trung vào các ngành nghề cần cho tỉnh (kinh tế, khoa học - công nghệ, ngoại ngữ) và các ngành có lợi thế của tỉnh như: nuôi trồng, công nghiệp chế biến, chế tạo, du lịch, vận tải, cơ khí sửa chữa chế tạo phục vụ nông nghiệp và thuỷ sản...Xây dựng cơ chế chính sách tạo điều kiện cho các cơ sở đào tạo nhân lực của nước ngoài đào tạo các nghề kỹ thuật cao, đặc thù cung cấp nhân lực cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Hòa Bình…/.