DetailController

Kinh tế

Đầu tư hạ tầng nhằm ứng phó biến đổi khí hậu

02/11/2023 16:30
Thời gian qua, tỉnh Hòa Bình đã tập trung phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, trong đó có hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu.
Thực hiện các công trình, dự án di dân, hỗ trợ xây dựng nhà ở và xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu ổn định dân cư tại địa bàn các huyện: Lạc Thủy, Yên Thủy, Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu

Hiện tại, tỉnh Hòa Bình đã có 1.915 công trình và hệ thống công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng kiên cố và bán kiên cố bằng nhiều nguồn vốn đang hoạt động phục vụ sản xuất cấp nước tưới chủ động phục vụ cho các vụ sản xuất. Dự kiến trong năm 2023: tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tưới chủ động đạt 47,5% (55.679 ha/117000 ha); tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tiêu chủ động đạt khoảng 86%, so với năm 2022 diện tích được tưới tăng thêm 74 ha, đưa diện tích được tưới chủ động từ 55.605 ha (năm 2022) lên 55.679 ha (năm 2023); Diện tích cây trồng cạn được tưới đạt 22% trên tổng diện tích cây trồng cạn (đạt 15.985ha/70.000ha). Đến hết năm 2022, tỷ lệ diện tích lúa được tưới hàng năm đạt trên 95%, đã vượt 5% so với mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Đến năm 2023, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có tổng số 3.723,3 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá được 2.125,5 km, tương ứng với 57,1% (năm 2021 kiên cố được 2.015,7 km, tương ứng với 54,1%) đạt theo kế hoạch giai đoạn đề ra (từ 55 - 60%). Tính đến năm 2023, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt mức 95,5%; tỷ lệ hộ dân được sử dụng nước sạch sinh hoạt đạt mức 50,25%.

Đã có khoảng 1.000 ha sản xuất cây trồng cạn các loại áp dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước trên địa bàn các huyện Cao Phong, Lạc Thủy, Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Sơn đạt 6,6% diện tích. Bước đầu, việc áp dụng các biện pháp tưới tiết kiệm đem lại hiệu quả bằng việc giảm công lao động, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm chi phí vật tư đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới.

Về hạ tầng đê điều, phòng chống thiên tai: Hiện nay, tỉnh Hòa Bình có 48,927 km đê, trong đó bao gồm 6,818 km tăng thêm là tuyến đê ngăn lũ sông Bôi kết hợp đường giao thông chạy lũ (đoạn cầu Chi Nê, xã Khoan Dụ, huyện Lạc Thủy, tỉnh Hòa Bình đến xã Xích Thổ, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình); các tuyến đê còn lại thuộc các huyện Lương Sơn, Yên Thủy và thành phố Hòa Bình gồm có 03 truyến đê cấp III dài 9,2km do Trung ương quản lý là đê Đà Giang, đê Quỳnh Lâm, đê Ngòi Dong; 02 tuyến đê cấp IV dài 23,730 km và 03 tuyến đê cấp V dài 9,18 km do địa phương trực tiếp quản lý.

Hệ thống đê điều liên tục được xây mới, nâng cấp và mở rộng trong những năm gần đây và ngày càng kiên cố. Tuyến đê Đà Giang, Quỳnh Lâm trên sông Đà, bảo vệ thành phố Hòa Bình hiện nay đã được nâng cấp mở rộng kết hợp giao thông đô thị với kích thước mặt đê Đà Giang rộng 9m, mặt đê Quỳnh Lâm rộng 13 m và có khả năng chống lũ ở báo động cấp III tương đương mực nước +23m. Tuyến đê Ngòi Dong trong năm 2019 bằng nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương đã thi công xây dựng tường chắn sóng trên mặt đê phía sông bằng bê tông cốt thép, chiều dài tuyến 2.075 m, công trình cũng có khả năng chống lũ ở báo động cấp III. Dự án duy tu, bảo dưỡng đê điều hàng năm được thực hiện một cách bài bản đã đã đem lại hiệu quả cao cả về đảm bảo an toàn công trình và tạo cảnh quan đẹp cho địa phương.

Các tuyến đê bao Yên Trị, Phú Cường; tuyến đê sông Trung Minh, Thanh Lương, Xuân Dương cũng được đầu tư nâng cấp với khả năng chống lũ ở báo động cấp II góp phần đảm bảo an toàn cho khu vực dân cư các xã ven sông như sông Đà, sông Bôi, sông Đáy. Hệ thống cảnh báo phòng chống thiên tai bước đầu được đầu tư trên địa bàn tỉnh. Tính đến nay toàn tỉnh có 31 trạm đo mưa tự động được đặt tại những khu vực trọng điểm tại 10 huyện, thành phố được tích hợp trên hệ thống thông tin quốc gia tại trang điện tử Vinarain.vn, thông tin mưa được cung cấp liên tục hàng giờ, mọi đối tượng có thể khai thác mọi lúc, mọi nơi nhằm mục đích hỗ trợ trong theo dõi, cảnh báo, chỉ đạo trong công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn tỉnh. Hệ thống cảnh báo thiên tai Đồi Ông Tượng (các thông tin, chỉ số cảnh báo được tích hợp trên hệ thống Web) được hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng trong năm 2022 góp phần cung cấp số liệu, thông tin phục vụ công tác cảnh báo, ứng phó kịp thời.

Về các dự án di dân, tái định cư tập trung, di dân xen ghép, tỉnh đã thực hiện bố trí ổn định dân cư theo hình thức di chuyển tập trung: Hoàn thành 13 dự án di dân do bị ảnh hưởng mưa bão hàng năm và đã bố trí sắp xếp được 983 hộ di chuyển dân đến các khu tái định cư, ổn định cuộc sống lâu dài với tổng mức đầu tư được duyệt là 444.535 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 413.016 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 31.474 triệu đồng. Đối với 88 hộ chưa được di chuyển của Dự án xây dựng khu tái định cư để di dân vùng sạt lở hai xã Tân Mai, Phúc Sạn, huyện Mai Châu (70 hộ bố trí tái định cư về tiểu dự án số 01, tại xã Đồng Tâm, huyện Lạc Thủy và 18 hộ bố trí tái định cư về tiểu dự án số 02, tại xã Bảo Hiệu, huyện Yên Thủy). UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban quản lý dự án đầu xây dựng các công trình Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, UBND các huyện Kim Bôi và Mai Châu triển khai thực hiện dự án tại văn bản số 1724/UBND-NNTN ngày 23/11/2017 và văn bản số 976/UBND-NNTN ngày 02/7/2018.

Tính đến thời điểm báo cáo, trên địa bàn tỉnh có 6 công trình, dự án di dân, ổn định đang thực hiện tại địa bàn các huyện: Lạc Thủy, Yên Thủy, Đà Bắc, Lạc Sơn, Mai Châu; ổn định dân cư cho 379 hộ dân; Tổng số kinh phí bố trí 196.429 triệu đồng, trong đó ngân sách trung ương hỗ trợ 164.955 triệu đồng, ngân sách địa phương hỗ trợ 31.474 triệu đồng. Sở Nông nghiệp Phát triển nông thôn đã phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố rà soát phân bổ kinh phí hỗ trợ xây dựng nhà ở và hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu cho 382 hộ vùng bị ảnh hưởng thiên tai, với tổng kinh phí hỗ trợ là 11.140 tỷ đồng./.