DetailController

Tin từ các đơn vị

Đào tạo nghề góp phần đắc lực hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất

12/04/2024 16:34
Thực hiện Đề án số 01-ĐA/TU, ngày 06/8/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Nông dân các cấp trong xây dựng tổ chức hội vững mạnh, tham gia hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm góp phần xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025”, thời gian qua ngành Lao động, Thương binh và xã hội đã chủ động triển khai xây dựng mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, đào tạo nghề nhằm phục vụ tốt hơn công tác hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất.
Trường Cao đẳng kỹ thuật công nghệ Hoà Bình đào tạo nghề sửa chữa nông cụ cho học viên nông dân huyện Lạc Sơn

Thực hiện các nhiệm vụ đối với công tác giáo dục nghề nghiệp đã đạt những kết quả tích cực, hệ thống mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có sự phát triển, từng bước mở rộng về quy mô, số lượng đào tạo tăng nhanh, nhất là đào tạo trình độ trung cấp cho đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở (THCS), từng bước thực hiện mục tiêu phân luồng giáo dục phổ thông sang giáo dục nghề nghiệp theo Quyết định số 522/QĐ-TTg ngày 14/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo, đặc biệt một số ngành nghề mới về lĩnh vực du lịch, dịch vụ được quan tâm đầu tư; đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được yêu cầu về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ sư phạm và kỹ năng nghề nghiệp; chương trình đào tạo được xây dựng, rà soát điều chỉnh phù hợp với thực tế của sản xuất, kinh doanh và dịch vụ. Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đa dạng, gắn với giải quyết việc làm, tự tạo việc làm; nhiều người lao động sau khi học nghề đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng sản xuất, làm giàu tại chỗ. Năm 2021 đã tuyển sinh, đào tạo cho 15.000 người; năm 2022 tuyển sinh đào tạo cho 15.250 người; năm 2023 đạt 19.595 người, đạt 126,4% so với kế hoạch giao, trong đó: 138 sinh viên, trung cấp 2.825 học sinh; sơ cấp 2.703 học viên; đào tạo dưới 3 tháng 13.919 học viên.

Nhìn chung các chính sách hỗ trợ giáo dục nghề nghiệp của Trung ương và địa phương được triển khai thực hiện trong thời gian qua trên địa bàn đã giúp cho người lao động nói chung và con, em người dân tộc thiểu số nói riêng có điều kiện tham gia học các lớp đào tạo nghề, đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỷ lệ lao động qua đào tạo tăng từ 57,5% năm 2021 lên 61% năm 2023, lao động có việc làm sau đào tạo đạt trên 80%, góp phần nâng cao thu nhập cho nhân dân trên địa bàn.

Bên cạnh những thuận lợi cho phát triển giáo dục nghề nghiệp, vẫn còn nhiều khó khăn. Đến nay, chương trình đã được thực hiện hơn 2 năm và trong quá trình triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh khi triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia liên quan lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Việc triển khai 03 Chương trình MTQG được giao cho 03 ngành trực tiếp quản lý và phân bổ cho các sở, ngành, đơn vị thực hiện, vậy nên công tác tổng hợp báo cáo các số liệu của các đơn vị về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp gặp nhiều khó khăn. Về nội dung hỗ trợ đào tạo nghề khó khăn do số lượng người tham gia học nghề ít, việc liên kết đào tạo nghề còn khó khăn, dẫn đến việc đảm bảo công việc cho người lao động sau khi học nghề và cam kết bao tiêu sản phẩm chưa thực sự đảm bảo. Mức hỗ trợ đào tạo còn thấp. Trang thiết bị đào tạo chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, đa số các trang thiết bị đào tạo của các cơ sở GDNN đều cũ và lạc hậu.

Thời gian tới cần tăng cường sự phối kết hợp giữa các Sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương với Sở Lao động-TB&XH để thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục nghề
nghiệp trên địa bàn; đặc biệt là công tác dự báo nhu cầu nhân lực, nhu cầu đào tạo theo từng trình độ, ngành, nghề đào tạo, đảm bảo đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực của doanh nghiệp, thị trường lao động góp phần giải quyết việc làm cho người học sau khi tốt nghiệp; phối hợp thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau THCS, THPT tham gia vào học các trình độ giáo dục nghề nghiệp, đáp ứng với khả năng học tập tiếp theo của học sinh tránh gây lãng phí thời gian, công sức, kinh phí của gia đình và xã hội. Xem xét bổ sung thêm lượng giáo viên cơ hữu cho các cao đẳng, trung cấp với những ngành, nghề chưa có giáo viên cơ hữu nhưng địa phương, thị trường lao động có nhu cầu lớn và lâu dài. Quan tâm bố trí đội ngũ nhà giáo tại các trung tâm GDNN - GDTX đủ về số lượng và cơ cấu ngành nghề theo yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội tại mỗi địa phương, hạn chế việc thỉnh giảng nhằm nâng cao chất lượng đào tạo….