DetailController

Tin từ các đơn vị

Công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực năm 2023

28/12/2023 16:30
Trong năm 2023, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, sự tham gia của các cơ quan truyền thông và nhất là vai trò quan trọng của Nhân dân, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến tích cực cả về nhận thức và hành động.

Đại đa số cán bộ, công chức có ý thức rèn luyện, nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, hoàn thành tốt nhiệm vụ, không tham nhũng, không tiêu cực, có ý thức phục vụ Nhân dân, được Nhân dân tin tưởng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, ổn định và phát triển kinh tế, xã hội, củng cố vững chắc quốc phòng, an ninh. So với năm 2022, công tác PCTN đã có nhiều chuyển biến tích cực. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo về PCTN được quan tâm triển khai thực hiện, công tác phòng ngừa tham nhũng được thực hiện trên tất cả các mặt. Các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng về công tác PCTN, phối hợp chặt chẽ, kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền chỉ đạo công tác PCTN; tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo phát sinh, nắm chắc tình hình, thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. UBND tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương trong tỉnh thực hiện công khai, minh bạch trong hoạt động tổ chức của cơ quan, đơn vị mình. 100% các đơn vị, địa phương trong tỉnh đã thực hiện minh bạch về tổ chức và hoạt động theo đúng quy định. Trong kỳ báo cáo các cấp, các ngành đã ban hành mới 252 văn bản, sửa đổi bổ sung 23 văn bản cho phù hợp quy định về chế độ, định mức, tiêu chuẩn để triển khai thực hiện. Các cơ quan, tổ chức, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 293 vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Công tác cải cách hành chính (CCHC) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được Tỉnh ủy, UBND tỉnh quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, then chốt trong việc đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Nhiệm vụ CCHC trên địa bàn năm 2023 được thực hiện đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực cải cách, trọng tâm là “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm số lượng cấp phó của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp theo đúng quy định của Chính phủ; nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; tăng cường tiếp nhận và giải quyết qua dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4; đẩy mạnh chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp sang tự đảm bảo chi thường xuyên và ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước. Phấn đấu chỉ số CCHC của tỉnh đạt ở mức trung bình so với các tỉnh, thành phố trong cả nước”. Để triển khai đảm bảo các mục tiêu đã đề ra, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh đã ban hành một số văn bản quan trọng để chỉ đạo, điều hành nhiệm vụ CCHC của tỉnh. Việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông tại các cơ quan hành chính Nhà nước trên địa bàn tỉnh tiếp tục được duy trì và phát huy hiệu quả tốt ở cấp tỉnh, 10 huyện, thành phố và 151/151 đơn vị cấp xã, góp phần tích cực vào việc cải cách thủ tục hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính Nhà nước và nâng cao sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp về sự phục vụ của các cơ quan hành chính các cấp trong tỉnh. Kết quả thực hiện CCHC căn cứ trên Cổng Dịch vụ công quốc gia điểm đánh giá Bộ Chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công của tỉnh Hòa Bình lũy kế từ 01/01/2023 đến hết ngày 14/11/2023, đạt 83,5/100 điểm, xếp hạng thứ 02/63 tỉnh, thành phố.

Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã nêu cao tinh thần trách nhiệm về công tác đấu tranh PCTN tại cơ quan, tổ chức, đơn vị của mình, thực hiện triệt để các biện pháp phòng ngừa, thường xuyên giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức cho cán bộ, đảng viên. Trong năm 2023, qua công tác thanh tra của các cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa phát hiện hành vi tham nhũng. Toàn ngành thanh tra đã triển khai 90 cuộc thanh tra hành chính (có 04 cuộc thanh tra đột xuất) tại 377 đơn vị, hoàn thiện 13 cuộc thanh tra năm 2022 chuyển sang (có 01 cuộc thanh tra đột xuất). Nội dung thanh tra tập trung vào một số lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản, thanh tra việc thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia; việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các hộ gia đình, cá nhân; việc chấp hành pháp luật về đất đai, đầu tư xây dựng các dự án; thanh tra trách nhiệm của người đứng đầu các cấp chính quyền địa phương để xảy ra việc khai thác khoáng sản trái phép; thanh tra việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch UBND cấp huyện, cấp xã và thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, thuộc UBND cấp huyện.

Các đơn vị, địa phương thực hiện các quy định về công khai, minh bạch trong hoạt động về tài chính - ngân sách, tổ chức cán bộ, quy hoạch, xây dựng, chính sách xã hội, đất đai, thanh tra… bảo đảm chính xác, rõ ràng, đầy đủ; hình thức công khai theo đúng quy định. Kịp thời chủ động công bố thông tin, cung cấp thông tin cho báo chí những vụ việc dư luận xã hội quan tâm. Kết quả kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, PCTN được công bố, công khai. Việc xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức, tiêu chuẩn được thực hiện theo quy định. Người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị đã cơ bản thực hiện nghiêm các chuẩn mực xử sự theo quy định của pháp luật, quy tắc nghề nghiệp và chấp hành các quy định của Luật PCTN về kiểm soát xung đột lợi ích; công tác thu hồi tài sản tham nhũng đạt hiệu quả cao./.