DetailController

Thời sự trong ngày

Công tác cải cách hành chính Quý I năm 2024 của tỉnh Hòa Bình

21/03/2024 16:30
Theo báo cáo của UBND tỉnh, nhìn chung, ngay từ đầu năm 2024, các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở đã xác định nhiệm vụ cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược trong công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, địa phương mình, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các mục tiêu, chỉ tiêu CCHC đề ra, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch kiểm tra, rà soát và kế hoạch theo dõi thi hành pháp luật theo đúng hướng dẫn của Sở Tư pháp; bám sát vào kế hoạch của tỉnh và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị nhằm bảo đảm thực hiện nhiệm vụ theo đúng yêu cầu đề ra.

Kết quả, quý I năm 2024, 100% thủ tục hành chính (TTHC) thuộc phạm vi quản lý của địa phương đều được công bố và công khai kịp thời theo quy định, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn trên địa bàn toàn tỉnh đạt 99,34%. Việc xây dựng và nâng cấp Cổng Dịch vụ công, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC cấp tỉnh, thực hiện kết nối, tích hợp với Cổng Dịch vụ công Quốc gia, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để công khai tiến độ, kết quả giải quyết TTHC không những tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp nhận hồ sơ, giải quyết TTHC mà còn giúp cơ quan có thẩm quyền theo dõi được tiến độ, kết quả giải quyết TTHC tại các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Qua đó, chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của địa phương ngày càng được nâng cao.

Trong quý I năm 2024, các sở, ngành đã tích cực, hướng dẫn, thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án Vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính trên địa bàn tỉnh, đảm bảo đúng quy định, kịp tiến độ được giao. Thẩm định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các sở, ban, ngành, đơn vị sự nghiệp đảm bảo theo quy định. Theo dõi, đôn đốc thường xuyên, liên tục việc thực hiện tinh giản biên chế của các cơ quan, đơn vị, đảm bảo tỷ lệ tinh giản biên chế thực hiện theo đúng Kế hoạch đề ra. Hướng dẫn và thực hiện bổ nhiệm ngạch/chức danh nghề nghiệp đối với giáo viên các cấp theo quy định mới đối với công chức, viên chức góp phần từng bước được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn ngạch, chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm được phân công đảm nhiệm. Công tác bổ nhiệm, bổ nhiệm lại được thực hiện đúng quy định về tiêu chuẩn, điều kiện, quy trình, thủ tục, công khai, minh bạch; cán bộ được bổ nhiệm đều thuộc diện quy hoạch, đảm bảo điều kiện tiêu chuẩn, được tín nhiệm cao. Cán bộ, công chức bổ nhiệm phải có trình độ đào tạo theo quy định; đạt các tiêu chuẩn chung của cán bộ, công chức và các tiêu chuẩn cụ thể của từng chức danh bổ nhiệm theo quy định; có đầy đủ hồ sơ cá nhân được cơ quan chức năng có thẩm quyền xác minh rõ ràng; có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định; có đủ sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có tuổi đời bổ nhiệm đúng theo quy định.

Các đơn vị chủ động sử dụng các nguồn tài chính được giao tự chủ trong chi đầu tư và chi thường xuyên, bao gồm nguồn thu từ hoạt động dịch vụ sự nghiệp công, nguồn thu phí được để lại chi theo quy định, nguồn thu hợp pháp khác. Được quyết định mức chi hoạt động chuyên môn, chi quản lý nhưng tối đa không vượt quá mức chi do nhà nước quy định. Việc giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị sự nghiệp trong giao dịch với bên ngoài, đặc biệt là trong các hoạt động liên doanh, liên kết, hoạt động dịch vụ sự nghiệp công có điều kiện xã hội hóa cao, tạo thêm nguồn thu cho đơn vị, được huy động vốn, vay vốn, chịu trách nhiệm về hiệu quả của việc huy động vốn, vay vốn để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất theo quy định của pháp luật, ví dụ như các bệnh viện công lập.

Về nhiệm vụ trọng tâm quý II, tỉnh tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về CCHC; tiếp tục triển khai Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch cải cách hành chính tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021 – 2025 và Kế hoạch CCHC năm 2024, phấn đấu đạt mục tiêu Chỉ số CCHC của tỉnh được xếp hạng ở mức bình quân chung so với 63 tỉnh, thành trong cả nước. Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC; xây dựng, ban hành các văn bản chỉ đạo, điều hành để chỉ đạo các cơ quan, đơn vị thực hiện kịp thời, có hiệu quả các quy định của Trung ương và của tỉnh về cải cách TTHC, kiểm soát TTHC và triển khai thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh. Phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ về đổi mới việc thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong giải quyết TTHC trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch của tỉnh. Tích cực theo dõi, đôn đốc các đơn vị, địa phương công bố, công khai TTHC, địa chỉ tiếp nhận phản ánh, kiến nghị; tiếp nhận, giải quyết hồ sơ TTHC đảm bảo thời gian, yêu cầu quy định; tham mưu tiếp nhận, giải quyết các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về quy định hành chính theo quy định. Tổ chức triển khai công tác kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của tỉnh theo Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016; Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2016-NĐ-CP và Kế hoạch của tỉnh.

Bên cạnh đó, thực hiện tốt công tác cán bộ; tiếp tục tổng hợp nhu cầu tuyển dụng, thẩm định Kế hoạch tuyển dụng viên chức sự nghiệp Giáo dục và Đào tạo, sự nghiệp Y tế năm 2024; phối hợp với các cơ quan, đơn vị tổ chức tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, thuyên chuyển công chức, viên chức đúng quy trình, thời hạn. Triển khai thực hiện công tác cải cách tài chính công tập trung vào các nội dung như: triển khai trên diện rộng cơ chế khoán biên chế và kinh phí hành chính theo Nghị định số 130/2005/NĐ-CP ngày 17/10/2005 của Chính phủ và cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm tại các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ và Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015; Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ; Nghị quyết số 116/NQ-CP ngày 05/9/2022 của Chỉnh phủ về phương án phân loại tự chủ tài chính của đơn vị công lập trong năm 2022; Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh đẩy mạnh việc phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi giữa các cấp chính quyền địa phương; hoàn thiện các chế độ, định mức phân bổ, định mức chi tiêu; tăng cường công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng ngân sách; ứng dụng công nghệ thông tin vào lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách ở các cấp. Tập trung triển khai kết nối cung cấp dịch vụ công trực tuyến của tỉnh lên Cổng dịch vụ công quốc gia theo yêu cầu của Chính phủ và tổ chức triển khai các nhiệm vụ của chương trình chuyển đối số tỉnh Hòa Bình theo Nghị quyết số 08-NQ/TU của Ban thường vụ Tỉnh uỷ về chuyển đổi số tỉnh Hoà Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; Quyết định số 785/QĐ-UBND ngày 22/4/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Đề án “Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Kế hoạch số 226/KH-UBND ngày 20/11/2023 của Ủy ban nhân tỉnh về Chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình năm 2024./.