DetailController

Chương trình nghiên cứu, đề tài khoa học

Đề tài: Bảo tồn nguồn gen lúa Nếp Cẩm Hòa Bình

10/08/2020 00:00
*Chủ nhiệm đề tài: Vũ Hồng Tráng
* Đơn vị thực hiện: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển nông lâm nghiệp
Tây Bắc
* Thời gian thực hiện: Năm 2015 - 2016
* Lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp

* Mục tiêu:
Mục tiêu lâu dài:
Bảo tồn, phục tráng và phát triển giống lúa nếp cẩm Hòa Bình phục vụ cho sản xuất hàng hóa nâng cao thu nhập cho người trồng lúa tại Hòa Bình.
Mục tiêu cụ thể:
- Đánh giá thực trạng sản xuất lúa nếp cẩm tại Hòa Bình.
- Thu thập được các nguồn gen nếp Cẩm, mô tả đặc điểm nông sinh học của các cá thể thu thập được.
- Chọn lọc, phục tráng các dòng thu thập được để tạo ra các dòng thuần giống nó giống gốc ban đầu.
- Xây dựng mô hình sản xuất giống nếp cẩm đã phục tráng.
- Tư liệu hóa, lưu giữ phục vụ nghiên cứu, sản xuất giống, đào tạo tập huấn cho nông dân.
* Nội dung:
Nội dung 1: Đánh giá thực trạng sản xuất giống lúa nếp cẩm tại Hòa Bình
Nội dung 2: Lưu trữ, bảo quản, bảo tồn bằng hình thức tại chỗ, chuyển chỗ (bảo quản tại kho lạnh của đơn vị chủ trì), đánh giá đặc điểm nông sinh học, phân loại, mô tả đặc điểm các nguồn gen nếp Cẩm đã thu thập, đánh giá đa chất lượng
nguồn gen nếp Cẩm.
Nội dung 3: Chọn lọc, phục tráng về độ đồng đều hình thái, sinh trưởng và năng suất, duy trì nguyên bản chất lượng vốn có của nguồn gen nếp Cẩm bản địa tại Kim Bôi
Nội dung 4: Tư liệu hóa nguồn gen nếp Cẩm Hòa Bình.
Nội dung 5: Khai thác và phát triển nguồn gen nếp Cẩm Hòa Bình đã chọn lọc phục tráng thông qua việc xây dựng mô hình sản xuất giới thiệu, quảng bá cho một số địa bàn có khả năng tiếp nhận để khai thác, phát triển, mở rộng sản xuất ứng dụng vào thực tiễn trong tỉnh Hòa Bình.
* Kết quả đạt được:
- Đã điều tra bằng phiếu điều tra, phỏng vấn nông dân tại 03 huyện Kim Bôi, Đà Bắc, Mai Châu, mỗi huyện điều tra 60 hộ nông dân. Căn cứ vào kết quả điều tra, thu thập thông tin về sự phân bố cây lúa nếp cẩm tại các địa phương trong tỉnh xác định huyện có diện tích nếp cẩm tập trung là Kim Bôi, từ đó xây dựng bảng các tiêu chí chọn lọc các các thể (các dòng) nếp cẩm
- Đã mô tả, đánh giá đặc điểm nông sinh học được 04 mẫu nguồn gen thu thập. Một phần hai lượng mẫu được lưu trữ, bảo quản tại kho lạnh của Trung tâm nghiên cứu và phát triển nông lâm nghiệp Tây Bắc, phần còn lại được gieo ở xã Lập Chiệng, huyện Kim Bôi để đánh giá đặc điểm nông sinh học.
- Đã tiến hành đánh giá chất lượng nguồn gen nếp cẩm Kim Bôi nguyên bản trước khi chọn lọc phục tráng:
+ Đã tiến hành đánh giá chất lượng bằng cảm quan và nếm thử cơm từ đó đánh giá độ dẻo, hương thơm và vị đậm.
+ Đã tiến hành đánh giá chất lượng các mẫu thu thập được trong phòng thí nghiệm bằng việc phân tích hàm lượng amylose, amylopectin, nhiệt độ hóa hồ, độ bền gel, hàm lượng protein. Kết quả cho thấy, nếp cẩm Hòa Bình đã thu thập là nguồn gen có hàm lượng Amyloza thấp chỉ đạt 1,47-1,75 g/100g, ngược lại hàm lượng Amylopectin rất cao từ 98,40-98,58 g/100g.
- Từ các mẫu nguồn gen thu thập được, đề tài đã tiến hành phục tráng giống lúa nếp cẩm tại xã Lập Chiệng, huyện Kim Bôi (với quy mô 0,5ha/vụ) trong 3 vụ ( vụ xuân, vụ mùa năm 2015 và vụ xuân năm 2016). Kết quả đã thu được 50kg hạt giống qua chọn lọc phục tráng bước 1; 100kg hạt giống qua chọn lọc phục tráng bước 2; 200kg hạt giống qua chọn lọc phục tráng bước 3 để lưu giữ tại kho lạnh của Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông lâm nghiệp Tây Bắc.
- Đã tư liệu hóa nguồn gen nếp cẩm Hòa Bình (Tư liệu hóa bằng văn bản và tư liệu hóa bằng số hóa)
- Đã mở được 02 lớp tập huấn cho 80 người tại xã Lập Chiệng, huyện Kim Bôi
- Đã xây dựng 02 mô hình khai thác phát triển nguồn gen nếp cẩm Hòa Bình sau khi đã chọn lọc phục tráng với quy mô 1ha/xã (Tại xã Lập Chiệng và xã Kim Sơn, huyện Kim Bôi).Kết quả: Mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, năng suất đạt từ 43-43,4 tạ/ha, cao hơn mô hình đối chứng từ 4,4-4,6 tạ/ha.
* Đánh giá xếp loại: Đạt yêu cầu

http://sokhoahoc.hoabinh.gov.vn/