ViewDanhSachCauHoi

Hỏi đáp trực tuyến
Chủ đề câu hỏi Văn hóa - Xã hội
Tiêu đề câu hỏi Cần khẩn trương xác định danh tính hài cốt liệt sỹ để thân nhân sớm được đưa về an táng
Địa chỉ thư điện tử congdan@hoabinh.gov.vn
Thông tin địa chỉ
Ngày gửi câu hỏi 27-12-2009
Nội dung câu hỏi Theo sự phản ánh của quần chúng, ngày 13/8 tại xóm Mát Trên, xã Dân Chủ, thành phố Hoà Bình, tỉnh Hoà Bình- Doanh nghiệp tư nhân Đặng Viết Hùng trong khi thi công đào móng tường bao công trình đã san ủi, xới tung cả hai ngôi mộ liệt sỹ được coi là vô danh. Đây là khu đất vườn mà doanh nghiep đã mua lại của gia đình bà Nguyễn Thị Na, cán bộ Ngân hàng tỉnh Hòa Bình để đầu tư xây dựng khu vui chơi giải trí. Mặc dù, trước đó chính quyền địa phương và người quản lý 2 ngôi mộ liệt sỹ cảnh báo trước “Nếu làm thì phải thông báo để còn cắm mốc bảo vệ 2 ngôi mộ liệt sỹ”. Vậy mà, đơn vị đã đưa máy xúc vào hoạt động, trong khi chưa có giấy phép xây dựng cũng như không thông báo cho chính quyền địa phương.
Nội dung Trả lời

Để làm rõ sự việc, chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Đức Dậu ở xóm Mát Trên, xã Dân Chủ,  một nhân chứng và cũng là người trực tiếp chôn cất, trông nom, hương khói cho hai ngôi mộ liệt sỹ hơn 20 năm tại khu đất vườn, gần nghĩa trang xóm Mát Trên (trước đây là khu vực Khe Sanh 2- Đoàn an dưỡng tỉnh Hòa Bình).         

     Ông Dậu cho biết: Ngày 29/9/1965 máy bay Mỹ ném bom vào Trường Văn hoá II, Bộ Quốc phòng và 4 nhân quân của trường đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Các đồng chí gồm: Vũ Danh Tiện, thôn Ngọc Nhị, xã Gia Thủy, huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình; đồng chí Đặng Xuân Điền, thôn Cát Đông, xã Thái Thượng, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình; đồng chí Đàm Đắc Tự, xã Nam Cao, huyện Kiếm Xương, tỉnh Thái Bình; đồng chí Thiềm (không rõ họ, tên đệm) trú tại huyện Nghĩa Lộ, tỉnh Hoàng Liên Sơn (cũ).

4 nhân quân trên đã được công nhận là liệt sỹ và được đơn vị chôn cất tại bãi tập trong doanh trại cũ của trường, cách thị xã Hòa Bình 04 km đi về hướng phố Chăm (Theo giấy báo tử của đồng chí Tiện, số 458/CT ngày 21/10/1965 của Trường Văn hóa II, Bộ Quốc phòng). Đến năm 1967 trường giải thể, không bàn giao lại hồ sơ, sơ đồ mộ chí của các liệt sỹ cho địa phương quản lý. Năm 1977 và 1978 hài cốt của 2 liệt sỹ Đặng Xuân Điền và Đàm Đắc Tự đã được thân nhân quy tập về an táng tại nghĩa trang địa phương. Còn lại 2 ngôi mộ, đến năm 1990 đơn vị thi công công trình Trường Võ Thị Sáu thuộc tổ 15, phường Chăm Mát, thị xã Hòa Bình (nay là thành phố Hòa Bình), trong khi thi công đã phát hiện có 2 bộ hài cốt nên chủ công trình đã thông báo ngay cho nhân dân địa phương biết để đến nhận. Sau 7 ngày thông báo trên loa, đài, vô tuyến...không có thân nhân nào đến nhận. Được sự đồng ý của chính quyền địa phương sở tại, ông Nguyễn Đức Dậu, nguyên là cán bộ quân đội nghỉ hưu của xã, lúc đó là trưởng thôn kiêm Chủ tịch Hội CCB và cán bộ địa chính xã đã cùng một số người dân đến tiếp nhận, cất bốc và đưa vào chôn cất tại khu vực gần nghĩa trang xóm Mát. Kể từ đó cho đến nay ông và gia đình đã thường xuyên trông nom, hương khói cho 2 ngôi một liệt sỹ trên.

Ông Nguyễn Đức Dậu cho biết: Trong quá trình cất bốc 2 bộ hài cốt chúng tôi thấy có một bộ to và một bộ nhỏ. Các di vật bên trong gồm có vải ni lông màu sám và ít quần áo nhưng đã đều vụn nát. Riêng bộ hài cốt to hơn thì có thêm một chiếc lược nhôm làm bằng vỏ máy bay không có tên; một đôi đế dép cao su; 2 vỏ đạn; một chiếc ví da gấp bên trong có một số giấy tờ và một tấm ảnh nhưng cũng đều nhàu nát. Tất cả các di vật đó đã được chúng tôi khâm liệm lại, cho vào tiểu sành và đưa về gần nghĩa trang của xóm chôn cất.

Vào năm 2009, thân nhân liệt sỹ Vũ Danh Tiện đã lần tìm qua một số CCB của trường Văn Hóa II và được biết phần mộ của 2 liệt sỹ còn nằm ở khu vực phía sau hội trường của Công ty cổ phần xây dựng Thủy lợi Hòa Bình ở tổ 21, phường Chăm Mát, thành phố Hòa Bình nên thân nhân của liệt sỹ Tiện là bà Vũ Bích Phượng đã có đơn đề nghị UBND tỉnh, Sở LĐTB-XH tỉnh Hòa Bình cho phép khai quật, cất bốc, xác định danh tính hài cốt liệt sỹ để đưa về an táng tại nghĩa trang đại phương. Do 2 ngôi mộ đã được di chuyển nên việc tổ chức khai quật hài cốt của gia đình liệt sỹ cùng một số các ban ngành liên quan tỉnh Hòa Bình sau 15 ngày không có kết quả.

Đến tháng 3/2010, gia đình liệt sỹ lại tiếp tục xác minh thông qua Ban liên lạc CCB của trường Văn hóa II, Bộ Quốc phòng, những người cao tuổi ở địa phương và biết tin 2 ngôi mộ liệt sỹ hiện nay đang được gia đình ông Nguyễn Đức Dậu, sinh năm 1936, xóm Mát Trên, xã Dân Chủ trông nom, hương khói và bà Phượng thân nhân của liệt sỹ Tiện tiếp tục đề nghị cho khai quật, xác định danh tính liệt sỹ lần 2. Ngày 13/4/2010, thân nhân liệt sỹ đã nhận được công văn của Sở LĐTH-XH tỉnh Hòa Bình là hiện nay không có cơ sở để đề nghị UBND tỉnh cho phép khai quật. Sau đó, bà Phượng đã gửi thư lên Bộ Quốc phòng và đã được Bộ Quốc phòng, Quân khu III, pháp y, Sở LĐTB-XH tỉnh, UBND tỉnh, UBND xã Dân Chủ và những nhân chứng tổ chức cuộc họp về việc khai quật để lấy mẫu giám định ADN. Sau đó, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình đã giao cho ông Nguyễn Đức Dậu chọn ngày để cất bốc. “ Tôi và các anh bên Bộ chỉ huy quân sự tỉnh đã nhất trí khai quật, cất bốc để lấy mẫu xác định danh tính hài cốt của 2 liệt sỹ vào ngày 6/8/2010 nhưng không hiểu lý do gì mà ngày hôm đó họ không làm và cũng không thông báo. Rồi sự việc đáng tiếc đã xảy ra: Ngày 13/8/2010 hai ngôi mộ liệt sỹ đã bị doanh nghiệp tư nhân Đặng Việt Hùng đưa máy xúc vào khởi công, đào móng tường bao xới tung, vỡ nát... Ông Dậu thở dài, ngậm ngùi thương xót.

Hiện giờ 2 ngôi mộ liệt sỹ đã được gia đình ông Nguyễn Đức Dậu và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hòa Bình khâm niệm, chôn cất tại chỗ cũ chờ ngày lấy mẫu giám định ADN. Vậy, đề nghị các cơ quan chức năng cần khẩn trương xác định danh tính hài cốt liệt sỹ để cho thân nhân và gia đình sớm  đưa các anh về nghĩa trang địa phương an táng. ./.

Người trả lời Vũ Thị Lý
Ngày trả lời 27-12-2009
Tài liệu đính kèm