NewsByCategory

DetailController

Tin tức và sự kiện

Gắn việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ chính trị địa phương

30/06/2021 00:00
Những năm qua, việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các cấp ủy đưa vào chương trình hành động, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, nghị quyết của cấp ủy và nội dung sinh hoạt định kỳ của chi bộ. Tại các cơ quan, đơn vị, địa phương, Chỉ thị 05 được gắn chặt chẽ với nâng cao hiệu quả công tác, các phong trào thi đua.
Lực lượng Công an tỉnh với tinh thần “Hết việc mới hết giờ” làm việc ngoài giờ phục vụ cấp căn cước công dân cho người dân

Trong 5 năm thực hiện Chỉ thị số 05, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” , các cấp ủy, tổ chức đảng, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã đưa việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào chương trình, kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội XVI và nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp toàn khóa và hàng năm. Đến nay, việc đưa nội dung học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào sinh hoạt chi bộ đã trở thành nội dung quan trọng, thường xuyên trong sinh hoạt Đảng.

Các cơ quan hành chính tiếp tục đẩy mạnh cải cách lề lối làm việc tại trụ sở, duy trì hòm thư góp ý, công khai số điện thoại nóng để kịp thời tiếp nhận, giải quyết phản ánh, kiến nghị và các ý kiến của doanh nghiệp và người dân. Hoạt động kiểm soát, rà soát TTHC của tỉnh được thực hiện kịp thời. 100% đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện cơ chế tự chủ về tài chính; 80% các văn bản chính thức giữa các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện trên mạng điện tử; 100% đơn vị cấp huyện có Bộ phận Một cửa hiện đại; 100% TTHC được chuẩn hóa, công khai, minh bạch. Tính liên thông trong giải quyết TTHC được tăng cường, đảm bảo TTHC được giải quyết nhanh gọn, công khai, minh bạch, xóa bỏ khâu trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết so với quy định, giảm tối đa chi phí thực hiện TTHC. Tất cả các TTHC đã được các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã công khai tại nơi tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả và trên trang thông tin điện tử của ngành, địa phương, đạt 100%. Năm 2018, chỉ số CCHC tăng 9 bậc so với năm 2017, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố; năm 2019, chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh đạt 63,84 điểm, xếp thứ 48; trong đó, điểm tác động CCHC với phát triển kinh tế, xã hội khá cao, đạt trên 3,5 điểm. Hiện nay, công tác CCHC tiếp tục được các cấp ủy, chính quyền quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, xác định là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, then chốt, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển, hướng tới phục vụ nhân dân tốt hơn. Nhiệm vụ CCHC được thực hiện đồng bộ trên cả 6 lĩnh vực theo Chương trình tổng thể CCHC của Chính phủ.

Tại mỗi cơ quan, mỗi đơn vị đều có cách làm việc, cách cải tiến lề lối làm việc phù hợp hơn với thực tế, góp phần nâng cao chất lượng công việc. Tiêu biểu như: Lực lượng làm công tác tiếp dân của Công an tỉnh đã làm thêm ngày thứ 7 với tinh thần “Hết việc mới hết giờ", niêm yết công khai minh bạch thủ tục hồ sơ, lệ phí, số điện thoại, hòm thư góp ý tại nơi tiếp dân... để nhân dân trên địa bàn tiện liên hệ, tố giác tội phạm, phản ánh thái độ ứng xử, phục vụ của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân. Đảng ủy Quân sự tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trong lực lượng tổ chức thực hiện hiệu quả “Ngày chính trị và văn hoá tinh thần ở cơ sở", duy trì nền nếp vào thứ 5 tuần cuối hằng tháng, với phương châm hướng về cơ sở, thực hiện “Nghe bộ đội nói, nói cho bộ đội nghe”, kịp thời giải quyết những vấn đề mới nảy sinh. Tỉnh Đoàn đã triển khai kế hoạch tổ chức “Ngày thứ 7 tình nguyện giải quyết thủ tục hành chính” trên địa bàn toàn tỉnh nhằm nâng cao tinh thần xung kích, tình nguyện của đội ngũ cán bộ trẻ trong việc góp phần CCHC, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị.

Các phong trào thi đua trong tỉnh diễn ra sôi nổi, thiết thực phục vụ đắc lực phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Trong 5 năm, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điến hình trên các lĩnh vực, tiêu biểu: Mô hình hợp tác xã hồ trợ nhau về kỹ thuật, vật tư, bao tiêu sản phẩm; nhiều cá nhân sản xuất - kinh doanh giỏi, gương hiến đất xây dựng nông thôn mới,... Đặc biệt, thực hiện phong trào thi đua "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, đến năm 2020, tỉnh Hòa Bình có thành phố Hòa Bình, huyện Lương Sơn và 88 xã về đích nông thôn mới, trong đó: Thành phố Hòa Bình hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2018, huyện Lương Sơn đạt chuẩn nông thôn mới năm 2019 (hoàn thành trước 01 năm so với kế hoạch). Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính mới, đến nay, tỉnh có 54/131 xã đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới (chiếm 41,22%); huyện Lạc Thủy đang hoàn thiện hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới năm 2020. Tới nay, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh còn khoảng 8,56%, đời sống nhân dân từng bước được nâng lên.

Nhìn chung, sau năm năm thực hiện Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị, những kết quả đạt được đã khẳng định sức lan tỏa sâu rộng của việc làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh vào trong cuộc sống. Đây cũng trở thành động lực to lớn, tạo nên sức mạnh để thúc đẩy các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng xây dựng nông thôn mới, phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa,...góp phần xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh./